Trong bối cảnh nền kinh tế Singapore dự kiến tăng trưởng 1-2% trong năm nay với môi trường thương mại không thuận lợi, giới phân tích cho rằng sức ép về lương cao là dấu hiệu cho thấy nước này đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Ở Singapore, chi phí tiền lương - ước chiếm xấp xỉ 43% Tổng sản phẩm trong nước (GDP), thấp hơn mức trung bình 55% GDP của thế giới - hiện đang ở các mức mà thường sau đó suy thoái kinh tế xảy ra như vào các năm 1985, 1997 và 2001 ở nước này.
Theo công ty tư vấn toàn cầu Mercer, Singapore là thành phố đắt đỏ thứ tư thế giới và mức lương cao phần nào phản ánh điều này. Tuy vậy, vấn đề ở đây là mức lương cao đang làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp ở thời điểm, khi nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của quốc đảo này đang chịu tác động tiêu cực lớn của sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc, tiêu dùng trong nước yếu kém, giá hàng hóa giảm và tình hình bất ổn trên thế giới sau sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Singapore, khoảng 42.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong nửa đầu năm 2016, so với con số gần 49.000 doanh nghiệp trong cả năm 2015. Trong khi đó, tổng lương danh nghĩa tăng trung bình 4,6%/năm trong một thập niên qua.
Ngoài ra, số liệu mới đây cho thấy chỉ số chi phí đơn vị lao động đã chạm mức cao kỷ lục 116,7 trong quý 2/2016. Trinh Nguyen, nhà kinh tế kỳ cựu về châu Á mới nổi của Natixis, cho hay điều này làm gia tăng những rủi ro suy thoái kinh tế và làm xói mòn khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu./.