Singapore: Điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ Trung Quốc?

Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu Colliers International, sự di chuyển đến Singapore của các công ty công nghệ Trung Quốc có chiều hướng “nhỏ giọt” hơn là “một dòng chảy lớn."
Toàn cảnh Singapore nhìn từ trên cao. (Nguồn: scmp)

Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu Colliers International, sự di chuyển đến Singapore của các công ty công nghệ Trung Quốc có chiều hướng “nhỏ giọt” hơn là “một dòng chảy lớn."

Tuy nhiên, Singapore vẫn đang duy trì sức hút đối với các công ty công nghệ Trung Quốc xuất phát từ yếu tố vị trí và các tiêu chuẩn chất lượng khác.

Đây là nội dung chính của bài bình luận về xu hướng dịch chuyển của các công ty công nghệ Trung Quốc tới Singapore được đăng tải trên tờ Business Times (Singapore) số ra ngày 26/11.

Theo Colliers International, ngay cả với việc trong năm nay hãng cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) Yitu Technology khai trương một cơ sở nghiên cứu, cùng với các kế hoạch nhằm mở rộng nhân sự và sự hiện diện tại Singapore của công ty khởi nghiệp về AI SenseTime, thì hầu hết các công ty công nghệ mở rộng sự hiện diện của mình tại Singapore vẫn chủ yếu đến từ Mỹ hoặc châu Âu.

Tương tự, các nhà phân tích của Edmund Tie& Co cũng lưu ý rằng trong số 6 công ty công nghệ thiết lập mới hoặc mở rộng văn phòng tại Singapore từ nửa cuối năm nay, chỉ có duy nhất một công ty Trung Quốc là PCCW Solutions (có trụ sở tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong) đã mở rộng văn phòng trụ sở khu vực của mình đặt tại Suntec City. 

Trong khi đó, theo ông Matthieu Imbert-Bouchard, Giám đốc quản lý của hãng tuyển dụng lao động Robert Half Singapore, “đã có sự gia tăng đáng kể số lượng các công ty công nghệ Trung Quốc gia nhập vào thị trưởng Singapore và tuyển dụng các nhân tài công nghệ Singapore” trong vòng 3 năm qua.

Ông Matthieu cho rằng sẽ có thêm nhiều các công ty Trung Quốc tại Singapore cùng với đó là các kế hoạch tuyển dụng nhân viên phát triển phần mềm, các nhà quản lý sản phẩm và các nhà quản lý giao nhận người Singapore, những người sẽ có mối liên hệ với những người bán hàng nước ngoài. 

Tương tự cũng có sự gia tăng việc tuyển dụng nhân sự vào các vị trí công nghệ như kiến trúc sư về giải pháp, các chuyên gia phân tích dữ liệu, các chuyên gia kỹ thuật số, chuyên gia marketing và cả các nhân viên bán hàng….

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu và cho thuê thương mại của tập đoàn bất động sản Savill cho hay sự hiện diện của các công ty Trung Quốc đã và đang là “dòng chảy lớn dần trong vài năm qua," với nhu cầu về văn phòng chủ yếu cho lĩnh vực công nghệ hơn là phục vụ cho các hoạt động tài chính và lĩnh vực khác. 

Hai công ty công nghệ lớn của Trung Quốc trên thực tế đã có sự hiện diện sớm ở Singapore là Baidu và Alibaba. 

Hãng cung cấp công cụ tìm kiếm Baidu (đã di chuyển văn phòng từ tòa nhà Singapore Land Tower tới khu vực JustCo tại Collyer Quay) năm 2012 đã mở một phòng thí nghiệm chung với Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của Singapore (A*Star) tại khu Fusionopolis.

Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đã thành lập cửa hàng tại One Raffles Place năm 2014. 

Huawei, tập đoàn công nghệ Trung Quốc, đang bị kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đã lựa chọn việc triển khai một phòng thí nghiệp đổi mới sáng tạo về AI và công nghệ dữ liệu đám mây cho các công ty xí nghiệp tại Singapore trong năm nay.

Hãng công nghệ Baidu mở rộng quy mô tại Singapore. (Nguồn: SCMP)

Tập đoàn này đã có một văn phòng tại Công viên Changi Business Park và một trung tâm dịch vụ khách hàng tại Somerset. 

Tương tự, ByteDance, chủ sở hữu của ứng dụng nền tảng chia sẻ video phổ biến TikTok, cũng đã được xác định là “thời gian đã chín muồi” để mở rộng hoạt động tại Singapore.

ByteDance đã thành lập một trụ sở khu vực chính tại văn phòng WeWork của mình trên phố Cross Street vào năm ngoái.

Một số nhà quan sát thị trường cho rằng công ty này đang nhắm đến việc thuê một khu vực rộng tới 60.000 feet vuông (hơn 5.500m2) tại One Raffles Quay. 

Bên cạnh đó, cũng đã bắt đầu có sự thiết lập hiện diện của các công ty (trên thực tế ít có sức hút hơn so với những công ty “đột phá”) là các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc thông thường và có tính đại chúng như là nhà cung cấp dịch vụ mạng China Telecom và China Unicom. 

Nhằm giải thích những tín hiệu nói trên, các nhà phân tích trong lĩnh vực này đã viện dẫn những yếu tố, nguyên nhân thông thường gồm các quy định thân thiện với doanh nghiệp, quy định đảm bảo cho việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và tài năng sẵn có, là những lợi ích cho các công ty công nghệ khi đến Singapore.

Ngoài ra, yếu tố mang tính trực diện, đi thẳng vào vấn đề đối với các công ty Trung Quốc chính là việc Singapore có sự tiếp cận gần gũi với những người nói tiếng Trung Quốc và khoảng cách địa lý thuận tiện cho việc tiếp cận khu vực bùng nổ phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á.

Theo bà Joanne Chua, Giám đốc phát triển khách hàng khu vực của hãng nghiên cứu Robert Walters, có một số thị trường có tiềm năng cao cho các công ty Trung Quốc trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Nhân viên hãng Alibaba phân loại hàng hóa. (Nguồn: todayonline)

Bên cạnh đó, theo ông Tosika Shukla, Phó Giám đốc tại cơ quan tuyển dụng Michael Page, yếu tố kết nối thương mại của Singapore thậm chí có thể cung cấp một nơi trú ẩn an toàn cho các công ty Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và do đó sẽ "bảo vệ họ khỏi tổn thất tài chính lớn."

Tuy nhiên, ngay cả với những khó khăn đang gia tăng tại thị trường Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng các yếu tố thúc đẩy nói trên khó có thể khiến các công ty công nghệ di chuyển ra khỏi Trung Quốc, bất chấp cuộc biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) cũng như căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến Mỹ đưa vào “danh sách đen” các công ty công nghệ như SenseTime và nhà cung cấp camera an ninh giám sát Hikvision.

Theo bà Song của hãng Colliers International, các quyết định kinh doanh trong dài hạn, chẳng hạn như mở văn phòng hoặc chuyển trụ sở, cần phải được xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng.

Bà Song cho rằng vẫn còn quá sớm để chứng kiến các công ty Trung Quốc mở rộng hoạt động sang Singapore do những căng thẳng từ Hong Kong và cũng chưa thấy “tác động đáng kể từ cuộc chiến thương mại” cho đến nay. 

Dưới góc nhìn khác, nhóm nghiên cứu của Savills cũng lưu ý rằng các công ty Trung Quốc có xu hướng không muốn sở hữu những không gian văn phòng lớn trên thị trường văn phòng Singapore, thay vào đó nhiều người trong số họ thích điều hành các công ty cổ phần mẹ (hoạt động theo mô hình công ty cổ phần mẹ-con) hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục