Việc quốc đảo nhỏ bé Singapore vừa được chọn là địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên có thể xem là một sự lựa chọn được cân nhắc rất kỹ lưỡng và giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên tránh khỏi những vấn đề nhạy cảm về ngoại giao cũng như bảo đảm được an ninh cho cuộc gặp có ý nghĩa lịch sử này.
Trong thông báo ngắn ngày 10/5 trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump viết: "Cuộc gặp rất được mong đợi giữa ông Kim Jong-un và tôi sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore. Cả hai chúng tôi sẽ cố gắng đưa sự kiện này trở thành một thời khắc rất đặc biệt đối với hòa bình thế giới."
Trong hơn một tháng qua, nhiều địa điểm đã được xem xét và danh sách đã dần rút gọn còn lại hai là Singapore và làng đình chiến Panmunjom thuộc Khu vực phi quân sự (DMZ) phân chia lãnh thổ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Đã có thời điểm Tổng thống Trump gợi ý về khả năng làng đình chiến Panmunjom là địa danh được lựa chọn, trong đó ông đề cập cụ thể đến Nhà Hòa bình hoặc Nhà Tự do ở bên lãnh thổ Hàn Quốc.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom - nơi từng diễn ra lễ ký hiệp định đình chiến cho cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 với sự tham gia của Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc, sẽ mang tính biểu tượng rất cao. Ngoài ra, nơi đây cũng vừa diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều rất thành công. Tuy nhiên, cuối cùng sau khi cân nhắc rất nhiều yếu tố, trong đó có cả ngoại giao và an ninh, quyết định cuối cùng là Singapore.
[Video] Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ diễn ra tại Singapore
Khi được hỏi lý do của sự lựa chọn này, Phó Thư ký báo chí của Nhà Trắng Raj Shah cho biết quốc gia Đông Nam Á này có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên và nước này có thể bảo đảm về an ninh cho Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngoài ra, cũng theo ông Shah, việc Singapore luôn giữ tính trung lập về chính trị là một yếu tố rất quan trọng để cuộc gặp lịch sử này đi tới thành công.
Cựu Đại sứ Mỹ ở Singapore David Adelman nhận xét: “Singapore là một người bạn tuyệt vời của Mỹ, nhưng nước này cũng cẩn thận để có thể làm bạn với tất cả các nước.”
Trong lịch sử, quốc gia này đã là "nhà trung gian chân thành giữa Đông và Tây," ngoài ra Singapore có kinh nghiệm tổ chức các cuộc gặp cấp cao.
Theo giới quan sát, tổ chức cuộc gặp ở Singapore cũng sẽ tạo được hình ảnh tốt cho ông Trump hơn là đến khu phi quân sự ở biên giới hai miền Triều Tiên. Ông Ian Bremmer, CEO của Eurasia Group, cho rằng việc chọn Singapore cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là để "chuẩn bị cho điều tốt đẹp.”
Singapore cũng là "vị trí tốt" cho nhà lãnh đạo rất hiếm khi xuất hiện của Triều Tiên. Theo ông Tom Plant, một chuyên gia về các vấn đề hạt nhân và phổ biến vũ khí ở London, “ông Kim Jong-un muốn tới một nơi thân thiện chứ không phải một nơi thù địch.”
Còn ông David David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, cho rằng khi cuộc gặp diễn ra ở Singapore, "mọi thứ sẽ được kiểm soát, từ báo chí cho đến an ninh."
Theo ông, Singapore là một môi trường có kiểm soát hơn, nơi các lãnh đạo có thể gặp nhau đằng sau cánh cửa đóng kín và sau đó xuất hiện để truyền thông chụp ảnh theo kịch bản được sắp xếp trước.
Ông Robert Einhorn, một nhà phân tích về kiểm soát vũ khí tại Viện Brookings và một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ - người đã từng đàm phán với Triều Tiên trong những năm 1990, nói: “Singapore là một vùng đất rất có kỷ luật và luôn đảm bảo được trật tự.”
Ông Einhorn cũng cho biết rằng phía Triều Tiên cũng thoải mái với lựa chọn Singapore vì họ từng tổ chức các cuộc họp và có đại sứ quán tại đây. “Đó là một nơi mà các nhà ngoại giao Triều Tiên có thể cảm thấy thoải mái,” ông Einhorn nhận định.
Ngoài ra, Quốc đảo Sư tử này cũng chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hơn 4.800km, một khoảng cách không phải quá xa cho một chuyến bay hiếm hoi của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Chuyến ra nước ngoài bằng máy bay mới đây của ông Kim là tới Đại Liên, Trung Quốc, và đó là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đã sử dụng máy bay ra nước ngoài trong hơn 30 năm.
Với thời gian chuẩn bị hạn hẹp, Singapore dù không mang ý nghĩa biểu tượng nhưng lại là nơi đáp ứng tốt hơn cả các yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, Chính phủ Singapore có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện ngoại giao mang tầm quốc tế chỉ trong thời gian ngắn, như cuộc gặp lịch sử hồi năm 2015 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan lúc đó là Mã Anh Cửu.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra sau một sự kiện quan trọng khác ở Singapore, đó là Đối thoại Shangri-La với sự tham gia của các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ và nhiều nước châu Á, được tổ chức từ ngày 1-3/6, do vậy quốc đảo này càng có thêm sự chuẩn bị chu đáo và chặt chẽ về an ninh. Ngoài ra, cũng thông qua cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Singapore - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN 2018 - cũng muốn góp phần nâng cao vị thế của khu vực Đông Nam Á.
Hiện còn quá sớm để dự báo về kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng những những nỗ lực ngoại giao con thoi trong thời gian qua của hai nước, cùng với những hành động thiện chí và những tuyên bố tích cực của chính hai nhà lãnh đạo này khiến dư luận hết sức lạc quan.
Ông Trump đang rất kỳ vọng sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ trở thành một điểm sáng, xóa đi những dị nghị về vị tổng thống xuất thân từ tỷ phú này, đồng thời đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Và dư luận quốc tế đang chờ đợi những cam kết cụ thể được đưa ra tại cuộc gặp lịch sử sắp tới ở Singapore./.