Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết kể từ ngày 15/9, hầu hết những người từ 12-50 tuổi mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, không có bệnh lý nền nghiêm trọng và đã được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ sẽ được điều trị tại nhà.
Đây được coi như mô hình quản lý chăm sóc bệnh nhân COVID-19 mặc định ở Đảo quốc Sư tử.
Khi một người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, việc điều trị tại nhà có thể bắt đầu ngay lập tức nếu người đó đáp ứng các tiêu chí, trong đó có những thành viên trong gia đình không có người từ 80 tuổi trở lên hoặc không thuộc một trong những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch kém hay người có nhiều bệnh lý nền cần chăm sóc y tế.
Cá nhân mắc bệnh cần được dành một phòng thông thoáng có phòng vệ sinh riêng ở trong nhà trong thời gian điều trị mà không cần phải đến bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc cộng đồng. Họ sẽ nhận được lệnh cách ly 10 ngày và có thể phải đeo thiết bị giám sát điện tử để đảm bảo luôn ở trong phòng riêng tại nhà.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại nhà sẽ được một nhà cung cấp dịch vụ y tế từ xa đánh giá vào ngày đầu tiên của quá trình điều trị nhằm đảm bảo rằng họ vẫn khỏe mạnh về mặt lâm sàng.
Trong vòng 24 giờ, bệnh nhân sẽ nhận được tin nhắn và đường link để được hướng dẫn cụ thể cách điều trị tại nhà và có nhân viên y tế theo dõi hàng ngày.
Trong quá trình điều trị tại nhà, bệnh nhân có thể liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ y tế từ xa được chỉ định để làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ sáu để kết thúc thời gian điều trị tại nhà sớm hơn. Nếu kết quả xét nghiệm đáp ứng các tiêu chí "xuất viện" - xét nghiệm âm tính hoặc lượng virus trong cơ thể thấp, bệnh nhân có thể được kết thúc điều trị tại nhà vào ngày thứ bảy. Nếu không, thời gian điều trị tại nhà sẽ kết thúc vào ngày thứ 10 mà không cần xét nghiệm thêm, miễn là bệnh nhân khỏe mạnh.
Sau khi kết thúc thời gian điều trị tại nhà, bệnh nhân COVID-19 sẽ không còn phải chịu bất kỳ hạn chế di chuyển nào, mặc dù theo khuyến cáo của MOH họ vẫn nên giảm thiểu các tương tác xã hội bảy ngày tiếp theo.
Indonesia cảnh giác trước làn sóng lây nhiễm thứ ba
Cùng ngày, một quan chức Chính phủ Indonesia cho biết chính quyền nước này đang cảnh giác nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch COVID-19, sau khi vừa trải qua làn sóng thứ hai đầy thảm khốc.
Người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Wiku Adisasmito, cho biết nguyên nhân khiến nước này cần cảnh giác là do một số quốc gia đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Ông nêu rõ Indonesia phải cảnh giác và duy trì kỷ luật trong việc thực hiện các giao thức y tế để không phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ 3 trong vài tháng tới.
[Indonesia: Nhiều người nhập cảnh dương tính dù có chứng nhận âm tính]
Trong những ngày qua, số ca mắc mới ở Indonesia đã giảm xuống dưới mức 10.000 ca/ngày. Riêng ngày 14/9, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này chỉ ghi nhận 4.128 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 3/2020 lên 4.174.216 ca, trong đó có 139.415 ca tử vong.
Campuchia tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 6-12 tuổi
Ngày 15/9, Hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) dẫn lời Thủ tướng nước này Samdech Techo Hun Sen cho biết trẻ em từ 6-12 tuổi sẽ được tiêm phòng COVID-19.
Theo kế hoạch, chiến dịch quốc gia về tiêm phòng cho trẻ từ 6-12 tuổi sẽ bắt đầu từ ngày 17/9/2021 và Thủ tướng Hun Sen sẽ chủ trì lễ phát động chiến dịch này tại Cung Hòa Bình.
Ông Hun Sen nhấn mạnh rằng nếu không tiêm phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 6-12, Campuchia không thể mở cửa trở lại các trường tiểu học trên cả nước. Campuchia ước tính có gần 1,9 triệu trẻ từ 6-12 tuổi. Trong giai đoạn tiếp theo, Campuchia sẽ tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 3-6 tuổi.
Campuchia đang tiến hành ba chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, gồm chiến dịch tiêm phòng cho người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), tiêm phòng cho thanh thiếu niên từ 12-dưới 18 tuổi và tiêm mũi tăng cường thứ ba.
Tính đến ngày 14/9, 9.773.960 người trong tổng số 10 triệu người trưởng thành tại Campuchia đã tiêm phòng COVID-19 ít nhất một mũi, trong đó 8.681.113 đã hoàn thành hai mũi tiêm.
Đối với thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi, 1.715.701 em trên tổng số gần 2 triệu em đã được tiêm phòng. Trong khi đó, có 790.111 người đã tiêm mũi thứ ba.
Ngày 15/9, hơn 200 trường công lập và tư thục tại thủ đô Phnom Penh đã mở cửa đón học sinh trở lại lớp sau khi được phép của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia.
Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng cho biết tổng cộng 227 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, trong đó có 68 trường công lập và 159 trường tư thục, đã mở cửa trở lại, đón khoảng 139.578 học sinh đến lớp. Tất cả học sinh và giáo viên đều đã được tiêm phòng COVID-19.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận trong 24 giờ qua có chín người tử vong và 653 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 130 ca nhập cảnh. Tính đến hôm nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 101.443 ca mắc COVID-19, trong đó 95.367 người đã khỏi bệnh và 2.067 người tử vong./.