Singapore: Các doanh nghiệp SME đối mặt với chi phí kinh doanh cao

Theo kết quả một cuộc khảo sát vừa công bố, có tới 86,6% số doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore được hỏi cho rằng nhân lực là yếu tố hàng đầu góp phần đẩy chi phí kinh doanh cao hơn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: businesstimes.com)

Chi phí kinh doanh cao trong bối cảnh khủng hoảng nhân lực hiện là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Singapore.

Đây là kết quả một cuộc khảo sát vừa được công bố bởi Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore (ASME).

Theo đó, có tới 86,6% số người được hỏi nói rằng nhân lực là yếu tố hàng đầu góp phần đẩy chi phí kinh doanh cao hơn, trong khi 57,1% phản ánh về chi phí thuê văn phòng, nhà xưởng và 48,2% phản ánh về chi phí đối với lao động nước ngoài.

Đáng chú ý, 84,6% số người được hỏi dự đoán rằng chi phí hoạt động của họ sẽ tăng lên trong vòng sáu tháng tới.

Cũng theo kết quả điều tra, có tới 58,3% số người được hỏi cho rằng cả hai yếu tố “giảm chi phí cho thuê" và "tìm quản lý người bản xứ giỏi" được coi là mối quan tâm hàng đầu trong ngân sách năm 2015. Và 57,4% số người được hỏi quan tâm đến yếu tố "tăng năng suất lao động."

Bên cạnh đó, 79,6% số người được hỏi sử dụng các chương trình “Tín dụng nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy sáng kiến,” khiến nó trở thành chương trình chính phủ được các doanh nghiệp sử dụng tìm đến nhiều nhất. Tiếp đó là đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và phát triển,” với 13,9% số người được hỏi quan tâm.

Tuy nhiên, 55,3% số người được hỏi cũng nhấn mạnh rằng các yêu cầu doanh nghiệp phải trả tiền trước và được hoàn trả sau đã làm hạn chế các chương trình trên của chính phủ. "Điều này sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền của họ và ngăn chặn việc đầu tư vào nâng cao năng suất," ASME dẫn lời các doanh nghiệp cho biết.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng 68,2% số người được hỏi cho biết họ vãn đang tìm kiếm để mở rộng cơ hội làm ăn ở nước ngoài trong hai năm tiếp theo.

Trên cơ sở khảo sát, ASME đề xuất Chính phủ cần có một khung khổ pháp lý hoặc chương trình cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối trực tiếp với các cơ sở giáo dục đại học trong việc cung cấp chứng nhận cho các sinh viên làm việc ngắn hạn cũng như phân phối hợp lý các nguồn tín dụng để hỗ trợ công việc nghiên cứu.

“Sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng... cần được khuyến khích tham gia lực lượng lao động để tích lũy kinh nghiệm làm việc trên con đường sự nghiệp của họ,” báo cáo của ASME nhấn mạnh.

Các khuyến nghị cũng bao gồm việc tiếp tục gia hạn thêm 3 năm việc thưởng tiền mặt (6.000 đô la Singapore) để duy trì hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc nâng cao năng suất cũng như điều chỉnh các chương trình tín dụng doanh nghiệp chuyển từ "hỗ trợ phần cứng" sang hỗ trợ các "kỹ năng mềm, quy trình ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh".

Mặt khác, ASME cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để kết nối doanh nghiệp nhỏ mở rộng cơ hội kinh doanh ở nước ngoài, bao gồm cả hỗ trợ tài chính để đánh giá và thâm nhập thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục