Signature Bank trở thành ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ phải đóng cửa

Chỉ 2 ngày sau khi Silicon Valley Bank phá sản, ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ - Signature Bank - cũng đã sụp đổ khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu.
Một nhân viên ngân hàng đến trụ sở của Ngân hàng Signature Bank ở thành phố New York, Mỹ ngày 12/3. (Nguồn: Reuters)

Ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác ra thông báo chung đóng cửa ngân hàng Signature Bank, có trụ sở ở ở bang New York. Đây là ngân hàng lớn thứ ba phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ.

Sự việc diễn ra chỉ hai ngày sau khi nhà chức trách bang California đóng cửa ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), động thái đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt."

Tuyên bố chung của các cơ quan quản lý nêu rõ tất cả tiền gửi tại Signature Bank sẽ còn nguyên vẹn và “người đóng thuế sẽ không bị ảnh hưởng."

Các nhà quản lý ngân hàng New York đã chỉ định Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) là nơi nhận nơi nhận tiền bán các tài sản của Signature Bank sau này.

Theo Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York, Signature Bank đã thông báo tổng bảo hiểm tiền gửi là 89,17 tỷ USD tính đến ngày 8/3. Trước đó, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng này là khoảng 110,36 tỷ USD.

Đại diện của Signature Bank hiện chưa đưa ra bình luận gì.

Cùng ngày, FDIC đã lập một ngân hàng “cầu nối” với Signature Bank, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận với nguồn tiền của mình trong ngày 13/3. Theo FDIC, toàn bộ tiền gửi và tiền vay của Signature Bank sẽ tự động trở thành khách hàng của ngân hàng cầu nối này.

[Mỹ tìm cách giải quyết vụ ngân hàng Silicon Valley phá sản]

Signature Bank là ngân hàng thương mại có các văn phòng khách hàng tư nhân tại New York, Connecticut, California, Nevada và North Carolina, với 9 dòng kinh doanh như buôn bán bất động sản và ngân hàng tài sản kỹ thuật số…

Tính đến tháng 9/2022, gần 1/4 số tiền gửi tại Signature Bank đến từ lĩnh vực tiền điện tử. Tuy nhiên, đến tháng 12/2022, ngân hàng thông báo sẽ giảm bớt 8 tỷ USD tiền gửi liên quan đến tiền điện tử.

Tháng 2/2023, Signature Bank thông báo Giám đốc điều hành (CEO) Joseph DePaolo được điều chuyển sang vai trò cố vấn cấp cao trong năm 2023 và Giám đốc vận hành (COO) Eric Howell sẽ lên thay.

Ông DePaolo đã từng làm Chủ tịch và CEO từ khi thành lập ngân hàng này năm 2001.

Trong một diễn biến mới nhất cùng ngày, một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho biết các chính sách mới được các nhà quản lý ngân hàng thông qua ngày 12/3 sẽ “xóa sạch” cổ phần và trái chủ tại hai ngân hàng SVB và Signature Bank, chỉ tập trung bảo vệ toàn bộ tiền gửi của khách hàng.

Bước đi này là nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và bảo vệ người gửi tiền, không đồng nghĩa với sự sụp đổ của hai ngân hàng trên.

Quan chức này cũng khẳng định người đóng thuế sẽ không phải gánh các thiệt hại của hai ngân hàng trên.

Ông nhấn mạnh cùng với quyết định của Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) cấp nguồn tiền cho các thể chế tài chính đủ điều kiện và đảm bảo họ có thể đáp ứng được các nhu cầu của người gửi tiền tại đây, các bước đi trên sẽ “khôi phục lòng tin của thị trường."

Ngày 10/3, ngân hàng SVB đã phải đóng cửa, trở thành ngân hàng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau vụ ngân hàng Washington Mutual phá sản năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Washington Mutual hiện vẫn là ngân hàng lớn nhất phá sản trong lịch sử nước Mỹ. Nhà chức trách Mỹ ngày 12/3 cho biết khách hàng của SVB sẽ được tiếp cận với tiền gửi của mình từ ngày 13/3.

Chính phủ liên bang cũng đã thông báo các hành động để bảo vệ tiền gửi, và ngăn chặn phản ứng dây chuyền sau vụ này.

Theo quy định, số tiền Quỹ Bảo hiểm tiền gửi của FDIC sử dụng để hỗ trợ những người không có bảo hiểm tiền gửi sẽ được khôi phục sau khi các ngân hàng tiến hành đánh giá đặc biệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục