'Siêu Ủy ban' đề xuất giải pháp hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty

Theo CMSC, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết quý 4 năm nay, tổng doanh thu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
'Siêu Ủy ban' đề xuất giải pháp hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines trên đường băng ở một sân bay. (Nguồn: Vietnam+)

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa có báo cáo cập nhật tình hình khó khăn của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời đề xuất những giải pháp xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị này.

Theo CMSC, trong thời gian tới, các tập đoàn, tổng công ty cần cơ cấu lại nguồn tài chính doanh nghiệp, tính toán cụ thể các khoản nợ đến hạn, khả năng trả nợ để có giải pháp phù hợp; đa dạng hóa thị trường cung cấp nguyên liệu, vật liệu, máy móc thiết bị, yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất.

Mặt khác, các tập đoàn, tổng công ty tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhất là các sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty cùng trong Ủy ban.

Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới; sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như: các công ty thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khai khoáng, dệt may...

Ngoài ra các tập đoàn, tổng công ty đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lớn, trọng điểm như: các dự án nguồn điện (Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, các dự án nhiệt điện khí Ô Môn); các đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, Lô B, miền Trung...; các dự án sửa chữa, nâng cấp sân bay, đường băng đang bị xuống cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài.

CMSC cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty chuẩn bị tốt phương án cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt như Tổng công ty Phát điện 1,Tổng công ty Phát điện 2, Tổng công ty Phát điện 3; các doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đại diện chủ sở hữu.

Bên cạnh việc đề xuất những giải pháp thì CMSC cũng đề xuất những kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các Bộ như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc đơn vị này ứng phó, duy trì được hoạt động trong thời gian dịch và khôi phục sản xuất kinh doanh sau khi dịch kết thúc.

[Mega Story] Gỡ nút thắt giữa siêu ủy ban với doanh nghiệp

Liên quan đến ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc CMSC, trong báo cáo của đơn vị này cũng đưa ra những con số thiệt hại trong quý 1/2020 của các tập đoàn, tổng công ty.

Cụ thể, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổng doanh thu quý 1 của VNA ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài đến hết quý 4 năm nay, tổng doanh thu của VNA ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.

Với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), báo cáo cho biết tổng doanh thu quý 1/2020 của ACV ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), việc hạn chế đi lại của người trong dịch khiến lưu lượng xe lưu thông trên đường bộ từ đầu năm 2020 giảm mạnh, nhất là tại các tuyến Nội Bài-Lào Cai, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Do vậy trong quý 1/2020, doanh thu của VEC giảm 15 tỷ đồng. Dự kiến, nếu dịch kéo dài đến quý 4/2020, doanh thu cả năm của VEC ước đạt 3.698 tỷ đồng, giảm 522,7 tỷ đồng so với kế hoạch năm; ước lỗ 140 tỷ đồng.

Trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề khác là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Do không có khách đi tàu, từ đầu năm đến nay, các công ty cổ phần vận tải đường sắt đã đề nghị dừng chạy hàng loạt đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của ngành đường sắt, khó đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao.

'Siêu Ủy ban' đề xuất giải pháp hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong quý 1/2020, doanh thu vận tải hành khách của VNR dự kiến đạt 527,8 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và ước lỗ 100 tỷ đồng.

Dự kiến cả năm 2020, công ty mẹ - VNR có doanh thu giảm từ 700-100 tỷ đồng so với kế hoạch năm, lỗ từ 694-935 tỷ đồng tùy theo thời điểm kết thúc dịch.

Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), quý 1/2020, doanh thu của tập đoàn ước đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; ước lỗ 572 tỷ đồng.

Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của Petrolimex sẽ giảm 12.517 tỷ đồng; ước lỗ 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch năm. Số tiền nộp ngân sách dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch năm, nếu dịch kéo dài tới quý 4/2020.

Theo Petrolimex, nguyên nhân của tình trạng này là do giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn trong quý 1/2020, dẫn đến giá vốn tồn kho của tập đoàn tăng mạnh.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại dịch COVID-19 khiến sản lượng điện cho công nghiệp và kinh doanh dịch vụ giảm làm doanh thu bán điện giảm tương ứng. Tập đoàn này còn đối diện với khó khăn bảo đảm than cho sản xuất điện trong thời gian tới nếu dịch bệnh kéo dài.

Theo EVN, các dự án nguồn điện, dự án truyền tải của tập đoàn này đang triển khai có liên quan đến chuyên gia và thiết bị của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Vì vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, các chuyên gia không thể sang Việt Nam và thiết bị cung ứng chậm cũng sẽ khiến tiến độ các dự án bị ảnh hưởng.

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), thị trường tiêu thụ than hiện bị chững lại do Trung Quốc là thị trường lớn, giá than nhập khẩu có xu hướng tăng trong khi giá khoáng sản giảm khiến doanh thu về khoáng sản giảm 1.000 tỷ đồng.

TKV dự tính nếu dịch kéo dài, nguồn cung nguyên vật liệu cho các đơn vị sẽ nguy cấp do lượng dự trữ chỉ đến hết quý 1 hoặc đầu quý 2/2020. Ngoài ra, việc lao động Trung Quốc bị kéo dài thời gian sang Việt Nam cũng dẫn đến các dự án chậm tiến độ.

Đối với Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Mobifone, dịch bệnh tác động tới 2 đơn vị này chủ yếu ở khía cạnh nguồn cung thiết bị khó khăn do các nhà máy, đơn vị cung ứng vật tư, nguyên liệu sản xuất linh kiện điện tử chủ yếu như Ericson, Nokia, Huawei, ZTE… đều đặt tại các nước chịu ảnh hưởng nặng của dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Italy, Trung Quốc.

Diễn biến dịch phức tạp dẫn tới việc hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa các cơ sở kinh doanh làm VNPT và Mobifone thiệt hại đáng kể. Cả năm 2020, VNPT dự kiến giảm 6.161 tỷ đồng doanh thu, 817 tỷ đồng lợi nhuận; Mobifone dự kiến giảm 6.684 tỷ đồng doanh thu và 1.526 tỷ đồng lợi nhuận so với kế hoạch năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục