Siêu thị tăng dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó dịch COVID-19

Các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường dự trự các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường cung cầu hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Siêu thị tăng dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó dịch COVID-19 ảnh 1Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kiểm tra khả năng cung ứng và dự trữ hàng thiết yếu tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 2/8, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Nội và siêu thị Big C.

Đây là một trong những hoạt động của Bộ Công Thương nhằm kiểm tra khả năng cung ứng và dự trữ vận chuyển hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của người dân và phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo báo cáo của đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội, lượng khách đến mua hàng trong những ngày gần đây có tăng nhưng không quá nhiều, hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.

[Tự hào hàng Việt Nam: ‘'Đòn bẩy’’ kích cầu tiêu dùng nội địa]

Ngoài ra, nhằm hưởng ứng “Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam: Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020, nhiều hoạt động khuyến mại từ 30-50%, giảm giá mạnh cho các mặt hàng thiết yếu, phục vụ chống dịch tại hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Nội đã được triển khai.

Đại diện Co.opmart thông tin sẽ áp dụng giảm giá sâu cho gần 30.000 sản phẩm hàng Việt Nam trong chương trình “Tự hào hàng Việt 2020” nhằm mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển hiệu quả, bình ổn thị trường cung cầu hàng hóa.

Trong khi đó, tại hệ thống siêu thị Big C, lượng hàng hóa cũng dồi dào, doanh nghiệp tăng cường nguồn hàng lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân có thể sẽ tăng đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại khi dịch bệnh có diễn biến xấu nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước để bảo đảm cung cấp cho người dân.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã tái lập áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên toàn hệ thống các cửa hàng trực thuộc như tăng lượng dự trữ hàng hóa, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp… đồng thời tăng cường việc giao hàng tại nhà nhằm tạo thuận lợi cho công tác mua sắm của người dân.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết những ca nhiễm ngoài cộng đồng vừa qua đã cho thấy tính chất phức tạp của đại dịch COVID-19, vì vậy các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch, không được có tâm lý chủ quan.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu các doanh nghiệp tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân đồng thời làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Siêu thị tăng dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó dịch COVID-19 ảnh 2Doanh nghiệp tăng cường cung ứng các sản phẩm phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng đã được tái khởi động trở lại theo các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu của địa phương tương ứng với các kịch bản cấp độ của dịch bệnh đã được xây dựng trước đây theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Tình hình thị trường tại các địa phương có người mắc bệnh cũng như các địa phương trên cả nước tương đối ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, mua gom tích trữ lương thực, thực phẩm; nguồn cung cơ bản đáp ứng cơ bản nhu cầu, giá cả tương đối ổn định do người dân có kinh nghiệm từ lần dịch trước nên đã bình tĩnh hơn trước các diễn biến của dịch bệnh.

Hiện Sở Công Thương các tỉnh thành có người mắc bệnh như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… đã triển khai lực lượng xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị để chỉ đạo việc tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa đồng thời phối hợp với các nhà phân phối, các quận, huyện tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục