Siêu dự án trang trại của Vinamilk tại Lào sẽ 'cho sữa' vào đầu 2022

Trang trại đầu tiên của tổ hợp với quy mô đàn bò 8.000 con này dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2022, sản lượng sữa lên đến gần 44.000 tấn/năm.
Trang trại đầu tiên trong Tổ hợp bò sữa Lao-Jagro tại Xiengkhuang của Vinamilk đã hoàn thành các hạng mục xây dựng cơ bản (ảnh chụp tháng 5/2021).
Trang trại đầu tiên trong Tổ hợp bò sữa Lao-Jagro tại Xiengkhuang của Vinamilk đã hoàn thành các hạng mục xây dựng cơ bản (ảnh chụp tháng 5/2021).

Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thấy tiềm năng để phát triển nông nghiệp và lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò sữa tại cao nguyên Xiengkhuang (Lào), đến cuối năm 2018, Vinamilk đã đầu tư thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn tại đây. Dự án này nằm trong chiến lược mở rộng vùng nguyên liệu sữa tươi của Vinamilk.

Tháng 5/2019, Vinamilk khởi công xây dựng Tổ hợp Trang trại bò sữa organic Lao-Jagro. Dự án này đã tận dụng được lợi thế của 3 đối tác từ Nhật Bản, Việt Nam và Lào trong liên doanh.

Khí hậu cao nguyên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa, quỹ đất sạch lớn ở Xiêng Khoảng là điều kiện thuận lợi để phát triển trang trại bò sữa organic.

Dự án được ứng dụng các công nghệ của Nhật Bản, kết hợp với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm về chăn nuôi bò sữa đã thành công tại Việt Nam của Vinamilk.

[Vinamilk chung tay cùng chính phủ, góp Quỹ vaccine phòng COVID-19]

Giai đoạn 1 có tổng diện tích quy hoạch hơn 5.000 ha với tổng đàn là 24.000 con. Tập trung phát triển cho siêu dự án này, Vinamilk dự kiến nâng tổng mức đầu tư cho cho giai đoạn này lên 150 triệu USD.

Siêu dự án trang trại của Vinamilk tại Lào sẽ 'cho sữa' vào đầu 2022 ảnh 1Cánh đồng yến mạch, bắp hữu cơ tại Trang trại bò sữa Lao-Jagro ở Xiengkhuang (Lào), ảnh chụp tháng 5/2021.

Hiện Vinamilk đang trong quá trình xây dựng cụm trang trại bò sữa đầu tiên với đàn bò 8.000 con (tương đương với quy mô trang trại bò sữa lớn của Vinamilk tại Tây Ninh), trong đó có có 4.000 bò sữa hữu cơ. Với quy mô đàn này, trang trại có thể cung cấp hơn 120 tấn sữa/ngày, tương đương gần 44.000 tấn/năm.

Trang trại cũng đã hoàn thiện chứng nhận Organic cho diện tích hơn 600 ha theo tiêu chuẩn EU/NOP (của châu Âu và Mỹ) và đang chuẩn bị cho việc nhập máy móc thiết bị cũng như sẽ được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tương tự như tại 13 trang trại bò sữa tại Việt Nam của Vinamilk.

Dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch xây dựng dự án. Tuy nhiên, theo thông tin phía doanh nghiệp, với tiến độ hiện nay, dự kiến vào quý 1/2022, trang trại bò sữa tại Xiêng Khoảng sẽ có thể bắt đầu “cho sữa.”

Bước đầu, sữa sẽ được vận chuyển về nhà máy sữa Nghệ An của Vinamilk, tăng cường nguồn sữa tươi nguyên liệu organic chuẩn châu Âu của Vinamilk. Tại Việt Nam, Vinamilk đang có 2 trang trại bò sữa organic tại Lâm Đồng.

Siêu dự án trang trại của Vinamilk tại Lào sẽ 'cho sữa' vào đầu 2022 ảnh 2Cao nguyên Xiengkhuang có lợi thế lớn về quỹ đất, khí hậu phù hợp với chăn nuôi bò sữa.

Đại diện Vinamilk cho biết, COVID-19 cũng khiến cho việc nhập cảnh của các nhân sự vào Lào gặp một số trở ngại nhưng đều đã được sắp xếp. Các chuyên gia, cấp quản lý chủ chốt của Vinamilk thời gian qua đã sống và làm việc tại nước bạn để đảm bảo quản lý dự án.

"Số lao động sẽ được tăng lên theo nhu cầu phát triển theo từng giai đoạn của dự án, ưu tiên sử dụng lao động tại người địa phương," đại diện Vinamilk cho biết thêm. Việc đưa vật tư-nguyên vật liệu, trang thiết bị phục vụ xây dựng vướng quy định giãn cách xã hội ở Lào đã được doanh nghiệp nỗ lực khắc phục để đảm bảo tiến độ đề ra.

Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa nội địa, trong bối cảnh thị trường bị tác động bởi đại dịch kéo dài, Vinamilk xác định để gia tăng hiệu quả kinh doanh, tạo thêm giá trị cho cổ đông thì tự chủ vùng nguyên liệu vẫn là chiến lược then chốt.

Siêu dự án trang trại của Vinamilk tại Lào sẽ 'cho sữa' vào đầu 2022 ảnh 3Trang trại Vinamilk Green Farm tại Quảng Ngãi có quy mô đàn bò sữa 4.000 con.

Vinamilk hiện có 13 trang trại tại Việt Nam, trong đó có 3 trang trại mới được doanh nghiệp này ra mắt thuộc hệ thống trang trại sinh thái Green Farm gồm Tây Ninh, Quảng Ngãi và Thống Nhất Thanh Hóa.

Ngoài ra, Vinamilk vẫn đang hợp tác cùng 6.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa. Sau khi đón nhận Mộc Châu Milk, tổng đàn bò do Vinamilk quản lý tăng lên là 150.000 con.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Vinamilk sẽ nhập khẩu thêm 5.000 bò sữa để tăng đàn, trong đó có một phần phục vụ cho dự án tại Lào.

Trong tương lai, Vinamilk dự tính sẽ đầu tư mở rộng giai đoạn 2, nâng quy mô đàn bò dự kiến lên đến 100.000 con cho dự án tại Lào, trên quỹ đất từ 15.000 đến 20.000 ha, với tổng mức đầu tư của toàn dự án dự kiến là 500 triệu USD. Song song đó tiếp tục phát triển các dự án lớn khác trong nước như trang trại tại Mộc Châu, Sơn La...

Bình quân mỗi ngày đàn bò sữa do doanh nghiệp này quản lý cung cấp trên 1.000 tấn sữa tươi nguyên liệu, được dùng sản xuất các sản phẩm chủ lực là sữa tươi (gồm thương hiệu như sữa tươi 100%, sữa tươi Organic, Green Farm...), sữa chua ăn và nhiều sản phẩm dinh dưỡng khác.

Theo nhiều báo cáo phân tích, khả năng tiêu thụ sữa và các sản phẩm sữa ở Việt Nam trong dài hạn từ 3 đến 5 năm tới vẫn được dự báo khả quan, mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp sẵn sàng bứt phá, đón đà phục hồi của kinh tế sau đại dịch.

Siêu dự án trang trại của Vinamilk tại Lào sẽ 'cho sữa' vào đầu 2022 ảnh 4Dự án Tổ hợp trang trại Lao-Jagro có quỹ đất rộng, quy mô khi hoàn thành có thể lên đến 100.000 con.

Báo cáo thị trường của Kantar Worldpanel nhận định nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa tại Việt Nam chuyển biến tích cực là do cơ cấu dân số trẻ, thu nhập trung bình tăng; xu hướng sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch; xu hướng tiêu thụ các sản phẩm tiện lợi, có thương hiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tăng.

Thêm vào đó, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức tiêu thụ sữa khá thấp, chỉ với 26-27 kg/người/năm trong khi trung bình tại châu Á đạt 38kg/người/năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục