Siêu dự án sông Hồng: Giá bán điện sẽ trở thành rủi ro tài chính lớn

Ngoài việc yêu cầu nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng có thể không đảm bảo hiệu quả với giá bán điện theo kế hoạch.
Siêu dự án sông Hồng: Giá bán điện sẽ trở thành rủi ro tài chính lớn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài việc yêu cầu nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng có thể không đảm bảo hiệu quả với giá bán điện theo kế hoạch.

Rủi ro không bán được điện?

Trong công văn gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư mới đây, Bộ Tài chính đã tỏ rõ những băn khoăn về​ dự án đầu tư tuyến giao thông thủy Xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện ​do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện (Ninh Bình) ​làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng 6 đập dâng nước kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy diện nhỏ cung cấp điện lượng khoảng 912 triệu KWh/năm. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng muốn xây dựng 7 cảng dọc tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 30% tổng vốn, còn lại 70% là vốn vay thương mại.

Nguồn thu chính của dự án theo tính toán sẽ từ bán điện, thu phí luồng tuyến trên từng đoạn và thu từ khai thác cảng trong đó riêng giá bán điện dự kiến ở 1.900 đồng/KWh và có lộ trình tăng giá theo thời gian.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, phương án vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 30% tổng vốn đồng nghĩa nhà đầu tư phải huy động vốn khoảng 7.353 tỷ đồng. Đây là con số theo ngành tài chính là “tương đối lớn” trong khi vốn điều lệ của công ty Xuân Thiện theo chứng nhận kinh doanh chỉ là 1.200 tỷ đồng.

Vì vây, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, phương án và khả năng huy động vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, tổng mức vốn 24.510 tỷ đồng chỉ mang tính sơ bộ làm định hướng huy động nguồn. Mức vốn còn phụ thuộc vào xác định công nghệ, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, điều kiện vay, chi phí vay vốn,…

Ở hướng khác, với nguồn thu từ bán điện, theo tính toán của chủ đầu tư, giá bán điện giai đoạn 2021-2026 là 1.900đ/KWh và tăng dần trong các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 và giai đoạn năm 2030, cơ cấu nguồn điện sẽ thay đổi theo hướng nguồn thủy điện giảm dần, các nguồn nhiệt điện than và điện tái tạo tăng lên.

Điều này theo lãnh đạo Bộ Tài chính đồng nghĩa với giá bán điện từ nguồn thủy điện sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, nhà đầu tư có thể đứng trước rủi ro không bán được điện do không cạnh tranh được về giá.

“Như vậy, giá bán điện của dự án từ lợi thế nguồn thu như báo cáo phân tích sẽ trở thành rủi ro tài chính lớn của dự án, không đảm bảo được hiệu quả dự án,” đại diện ngành tài chính lên tiếng.

Đề xuất ưu đãi thuế “chưa phù hợp quy định”

Về đề xuất miễn một loạt khoản thuế như: thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước, thuế dịch vụ môi trương rừng, thuế thu nhập doanh nghiệp tới thời điểm hoàn vốn, lãnh đạo Bộ Tài chính nhận xét, điều này “chưa phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.”

Với đề xuất hỗ trợ giá bán điện đặc thù cho công trình, đồng thời có lộ trình tăng giá bán điện theo hướng 5 năm đầu: 1.900 đồng/KWh, 5 năm tiếp theo 2.380 đồng/KWh, các năm tiếp theo tối thiểu 2.970-3.560 đồng/kWh, đại diện ngành tài chính cho rằng ý kiến trên “cần được nghiên cứu thêm.”

“Theo chủ trương chung của Chính phủ, giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường cạnh tranh ưu tiên huy động nguồn điện giá rẻ và huy động từ giá thấp đến giá cao,” ​công văn của Bộ Tài chính nêu rõ.

Góp thêm ý kiến khác, lãnh đạo Bộ Tài chính tính toán, việc khai thác luồng tàu sông Hồng đoạn Việt Trì-Lào Cai trong điều kiện tự nhiên chỉ có thể tổ chức vận tải khoảng 3 tháng trong năm. Vào mùa khô, mùa lũ, các phương tiện sẽ khó đi lại do mực nước thấp hoặc dòng chảy lớn.

Vì vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị cần bổ sung nội dung đánh giá tính toán đập dâng nước có thể duy trì mực nước thường xuyên, đảm bảo các phương tiện đường thủy lưu thông, tránh gián đoạn.

Cũng theo Bộ Tài chính, công trình thủy điện có yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu về an toàn nghiêm ngặt, do đó việc kết hợp công trình thủy điện với các cảng giao thương cần đánh giá tác động qua lại, rủi ro, phương án giải quyết khi xảy ra sự cố.

“Ngoài ra, theo bản đồ dự kiến xây dựng công trình đầu mối, một số đập nằm rất gần các cầu hiện có, cần đánh giá lại tác động địa chấn của các đập đầu mối đến cầu hiện có nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông trên các tuyến cầu,” đại diện ngành tài chính nêu vấn đề.

Trước đó, dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện đã được Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện (Ninh Bình) đề xuất theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành). Một trong những mục tiêu của dự án là nhằm cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy xuyên Á trên tuyến sông Hồng an toàn, thông suốt, cung cấp được lượng điện năng đáng kể, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục