Siêu dự án sông Hồng: “Cần làm rõ phạm vi sở hữu của nhà đầu tư"

Siêu dự án sông Hồng: “Cần làm rõ phạm vi sở hữu của nhà đầu tư”

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, siêu dự án sông Hồng cần làm rõ phạm vi sở hữu của nhà đầu tư đối với luồng lạch, diện tích mặt nước cũng như quyền tự do đi lại, nuôi trồng thủy, hải sản… của người dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức trình Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO.

Tuy nhiên, tại Công văn 3091/​BKHĐT-GSTĐĐT trình Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã đề xuất một số nội dung cần thiết phải nghiên cứu làm rõ, qua đó để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo của ​"siêu dự án" này.

Quyền sở hữu mặt nước

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, việc nghiên cứu, khai thác có hiệu quả tiềm năng của sông Hồng phục vụ cho phát triển kinh tế các tỉnh trong khu vực là cần thiết, đồng thời những mục tiêu của “Dự án siêu sông Hồng” cũng nhận được sự thống nhất về chủ trương của các bộ, ngành.

Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ, đây là dự án do nhà đầu tư đề xuất, mục tiêu kết hợp giữa giao thông và thủy điện có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, lĩnh vực đầu tư liên quan đến nhiều ngành (giao thông thủy, cấp thoát nước, nông nghiệp, thủy sản, thủy điện, môi trường, an ninh, quốc phòng…), ​nên bên cạnh những tác động tích cực, việc đầu tư ​dự án có thể có những tác động tiêu cực đến nhiều địa phương, các ngành liên quan​. Do đó, đại diện của Bộ cho rằng cần phải phân tích làm rõ, cân nhắc về từng mục tiêu trong các giao đoạn nghiên cứu tiếp theo của Dự án.

Trên cơ sở so sánh các hình thức đầu tư, nhà đầu tư đề xuất thực hiện Dự án theo hình thức Hợp đồng BOO (nhà đầu tư tự huy động các nguồn lực để thực hiện ​dự án, không đề xuất hỗ trợ vốn từ ngân sách), cụ thể, vốn chủ sở hữu 30%, vốn vay thương mại 70% tổng vốn đầu tư.

Do phạm vi ​dự án có hợp phần nạo vét, chỉnh trị, cải tạo luồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các cơ quan chức năng liên quan cần làm rõ phạm vi sở hữu của nhà đầu tư đối với luồng lạch, diện tích mặt nước cũng như quyền tự do đi lại, nuôi trồng thủy, hải sản… của người dân xung quanh khu vực ​dự án (trong quá trình nhà đầu tư sở hữu và vận hành ​dự án).


Xác định thời gian cụ thể

Mặc dù đây là ​dự án thực hiện theo hình thức BOO nên nhà đầu tư được tổ chức kinh doanh, thu phí theo thỏa thuận cụ thể của Bộ Giao thông ​Vận tải, hướng dẫn của Bộ Tài chính, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cần làm rõ vai trò quản lý của Nhà nước trong quá trình quản lý, kinh doanh Dự án.

Tại Công văn số 3091, Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị xác định rõ thời hạn thực hiện ​dự án, thời hạn Hợp đồng BOO, các vấn đề về quản lý, khai thác, thu phí, giá phí, ưu đã​i sau thời hạn Hợp đồng cũng như phương án bàn giao ​dự án sau thời hạn thực hiện ​dự án.

Thêm vào đó, Bộ này cũng đề nghị nhà đầu tư cần rà soát lại phương án về giá điện phải phù hợp với các quy định hiện hành (theo thị trường cạnh tranh) cũng như phải bổ sung, tính toán, phân tích khả thi của ​dự án trong trường hợp Nhà nước không hỗ trợ giá điện. Bởi, giá điện đề xuất của ​dự án so với các nhà máy thủy điện đang vận hành là cao (giá điện dự kiến của ​dự án năm đầu 1.900 đồng/KWh, lộ trình tăng giá theo thời gian).

Một yếu tố quan trọng khác liên quan đến chỉ tiêu kinh tế - tài chính mà "​siêu dự án" chưa đề cập trong chi phí đầu tư, như các sự cố rủi ro về thiên nhiên (lũ lụt, hạn hán…) có thể ảnh hưởng đến chi phí, gián đoạn thời gian hoạt động.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mặc dù ​dự án hoàn thành sẽ nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tuyến sông Hồng, nhưng chưa rà soát, tính toán các hoạt động tiêu cực có thể xảy ra đối với môi trường, nông nghiệp, thủy sản, hệ thống công trình thủy lợi (tưới tiêu), các dự án khai thác khoáng sản, kinh doanh hai bên bờ sông, đặc biệt là các sự cố đê, đập thủy điện, địa chấn môi trường, các trường hợp rủi ro, sự cố khi động đất, bão lũ…

Thêm vào đó, trong quá trình thực hiện ​dự án, các hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch, xây dựng hệ thống cản thủy nội địa và đập thủy điện có liên quan đến thu hồi khoáng sản, nên ​đại diện Bộ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư có phương án tận thu khoáng sản, nâng cao hiệu quả đầu tư ​dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục