Siêu dự án cáp quang ngầm giúp tập đoàn công nghệ Meta phát triển AI

"Gã khổng lồ" Meta đang chuẩn bị xây dựng hệ thống cáp quang ngầm Internet với chiều dài hơn 40.000km trải rộng khắp thế giới, dự kiến công bố thêm thông tin chi tiết đầu năm 2025.
Biểu tượng Meta tại California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một số nguồn tin thân cận, tập đoàn công nghệ Meta dự định chuẩn bị xây dựng hệ thống cáp quang ngầm Internet với chiều dài hơn 40.000km trải rộng khắp thế giới.

Đây cũng là dự án giúp "gã khổng lồ" công nghệ này lần đầu tiên sở hữu và sử dụng độc quyền một tuyến cáp quang ngầm lớn.

Ông Sunil Tagare, chuyên gia về cáp quang ngầm, cho hay dự án khởi đầu với ngân sách 2 tỷ USD và sẽ tăng theo từng giai đoạn.

Trong khi đó, một nguồn tin thân cận của Meta cũng xác nhận về dự án song cho hay cho biết dự án vẫn đang ở giai đoạn ban đầu.

Theo dự kiến, Meta sẽ công bố thêm thông tin chi tiết đầu năm 2025, gồm tiến độ triển khai, công suất truyền tải...

Cáp ngầm sẽ cung cấp đường truyền dữ liệu riêng cho Meta, với lộ trình từ bờ đông Mỹ đến Ấn Độ qua Nam Phi, rồi từ Ấn Độ đến bờ tây Mỹ qua Australia.

Việc xây dựng cáp có thể gặp khó khăn vì số doanh nghiệp có năng lực thi công dự án này tương đối ít và đã có khách hàng lớn đặt trước dịch vụ. Vì vậy, triển khai dự án theo từng đoạn là phương án khả thi hơn.

Người đứng đầu bộ phận hạ tầng toàn cầu của Meta, Santosh Janardhan, sẽ chịu trách nhiệm giám sát dự án này. Cáp quang ngầm là một phần quan trọng của hạ tầng truyền thông trong 40 năm qua.

Kế hoạch trên của Meta cho thấy sự thay đổi trong việc đầu tư và sở hữu mạng lưới ngầm từ các liên minh viễn thông sang những tập đoàn công nghệ lớn.

Trong khi đó, công ty nghiên cứu thị trường viễn thông Telegeography cho hay Meta hiện đồng sở hữu 16 mạng lưới cáp quang, gần nhất là tuyến 2Africa bao quanh châu Phi.

Nhưng Meta mong muốn sở hữu tuyến cáp riêng để ưu tiên quyền sử dụng, hỗ trợ lưu lượng trên các nền tảng riêng, giảm bớt rủi ro địa chính trị và khả năng phát triển trung tâm dữ liệu tại Ấn Độ để phục vụ kế hoạch phát triển Trí tuệ Nhân tạo (AI)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục