Bão số 3 - Bài học dự báo từ sớm, từ xa (Bài 1)

Siêu bão với nhiều điểm bất thường, khó lường trước

Ngành khí tượng thủy văn đã theo sát diễn biến của bão số 3 ngay từ khi mới hình thành để đưa ra những dự báo kịp thời nhất, chính xác nhất, xây dựng kịch bản ứng phó gần nhất với thực tế.
Biển Đồ Sơn (Hải Phòng) mù mịt trước khi bão số 3 đổ bộ (ảnh chụp lúc 12g55 ngày 7/9). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đã 10 ngày kể từ khi bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, những thiệt hại nặng nề vẫn đang hiện diện tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Với sức gió cấp 16, giật cấp 17, bão số 3 trở thành siêu bão, tàn phá Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội…

Bão đi qua cũng là lúc mưa lũ do hoàn lưu bão tập trung ở khu vực miền núi và Trung du Bắc Bộ. Nhiều khu vực thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ... liên tục xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Thiệt hại do bão và hoàn lưu bão tăng lên từng giờ, từng ngày và chưa thể thống kê chính xác.

Ngành khí tượng thủy văn đã theo sát diễn biến của bão ngay từ khi mới hình thành để đưa ra những dự báo kịp thời nhất, chính xác nhất, xây dựng kịch bản ứng phó gần nhất với thực tế. Trung ương, các bộ, ngành đến chính quyền các cấp sẵn sàng “đón” siêu bão với tâm thế chủ động.

Thế nhưng thiên tai khó đoán, hậu quả rất khó lường, những kinh nghiệm có được từ siêu bão luôn hữu ích đối với trước mắt và lâu dài.

Nội dung này được phóng viên thực hiện qua hai bài viết: “Bão số 3 - Bài học dự báo từ sớm, từ xa."

Nhiều khu dân cư ở Thái Nguyên bị ngập do ảnh hưởng từ mưa của hoàn lưu cơn bão số 3. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Bài 1: Bão số 3 - Siêu bão lịch sử với nhiều điểm bất thường

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Cường độ bão tăng rất nhanh (trong 24 giờ tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài.

Cùng với đó, mức độ giảm cấp trên đường đi của bão số 3 không theo quy luật. Thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, các cơn bão yếu đi nhanh nhưng bão số 3 giữ cường độ siêu bão, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ).

Siêu bão lịch sử với nhiều bất thường

Đánh giá về bão số 3 và hoàn lưu bão của Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho thấy đây là siêu bão với rất nhiều điểm bất thường. Bão quá mạnh, khi đi vào Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, gió cấp 14, giật cấp 17.

Chiều 7/9, bão đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 10-12, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16-17. Đến 4 giờ ngày 8/9, bão mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Trong các phiên họp thảo luận trực tuyến của cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia với các chuyên gia quốc tế thuộc Trung tâm Dự báo bão khu vực của Nhật Bản và cơ quan Khí tượng Trung Quốc đều chung nhận định về đặc điểm bất thường của bão số 3 và mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra ở Vịnh Bắc Bộ, vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Hoàn lưu bão số 3 gây mưa rất lớn trên diện rộng gồm nhiều tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan. Trong đó có những khu vực xuất hiện lượng mưa trên 200 mm chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, điển hình là tại thành phố Yên Bái đêm 9/9.

Mưa lớn khiến mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ liên tiếp phá kỷ lục lịch sử. Sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên nhanh vượt báo động 3, một số sông vượt báo động 3 từ 3-4m. Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73m (16 giờ ngày 10/9), trên mức báo động 3 là 3,73m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m.

Nước sông chảy xiết qua khu vực cầu Đuống. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Mực nước sông Hồng tại Hà Nội cũng ghi nhận cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng hiếm thấy. Theo thống kê có 20/25 tỉnh, thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.

Mưa lớn do hoàn lưu bão gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở nhiều địa phương. Một số khu vực của các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất, gây nhiều thiệt hại nặng nề về người, tài sản.

Chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, nguyên nhân chính là do khu vực miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua có mưa rất nhiều, cao hơn 40-60% so với trung bình nhiều năm.

Ở Lào Cai trong tháng 8 có đến 23/31 ngày mưa, ở Yên Bái là 21/31 ngày cũng là điều hiếm gặp. Hầu hết các khu vực, đất đã ngậm no nước, ở trạng bão hòa nên khi có đợt mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày với cường suất cao như vừa qua thì hiện tượng sạt lở đất xảy ra nhiều nơi. Lào Cai xảy ra lũ quét, mảng sạt lở quy mô lớn, Yên Bái có quy mô mảng sạt lở nhỏ hơn nhưng xảy ra ở nhiều nơi (riêng tại thành phố Yên Bái đã thống kê được trên 1.000 điểm sạt lở đất).

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết với bão số 3 và hoàn lưu sau bão, đây là lần đầu tiên cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam đưa ra cảnh báo mức rủi ro thiên tai do bão đến cấp 4 ở khu vực Vịnh Bắc Bộ cùng với hai tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh và rủi ro thiên tai cấp 3 đối với lũ quét, sạt lở đất ở Yên Bái, Lào Cai.

Tính mạng và tinh thần của nhân dân - mất mát không gì bù đắp được

Bão số 3 đi qua, mưa lớn lũ dữ do hoàn lưu bão cũng giảm từng ngày nhưng “vết thương” do bão gây ra vừa sâu, vừa rộng và sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể chữa lành.

Ngày 15/9, chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nghẹn giọng xúc động khi đề cập hậu quả nặng nề cũng như những thiệt hại của người dân, của đất nước: "Chúng ta đã nỗ lực hết mình. Đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, tìm cái còn trong cái mất... Song mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng."

Lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thống kê từ các địa phương đến 17 giờ 30 phút ngày 15/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 330 người chết, mất tích (292 người chết, 38 người mất tích); 19.21 người bị thương. Lào Cai là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người với 125 người chết, 26 người mất tích; trong đó lũ quét kinh hoàng xảy ra ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) đã khiến 52 người chết và 14 người mất tích.

Làng Nủ yên bình giữa thung lũng, bao quanh là núi đồi trùng điệp, ruộng bậc thang giờ chỉ còn trong ký ức của những người may mắn sống sót sau lũ quét sáng 10/9. Toàn thôn với 35 hộ dân, 128 khẩu gần như bị xóa sổ, phút chốc bị san phẳng bởi nước lũ, đất đá. Nhiều người dân nơi đây giờ không còn người thân, không nhà, không tài sản. Mỗi ngày qua đi là hy vọng lại ít hơn về phép màu sẽ xảy ra - người thân còn sống hay có thể tìm thấy thi thể dưới lớp bùn đất dày đặc.

Cách hiện trường lũ quét khoảng một km là điểm trường Mầm non Làng Nủ (thuộc trường Mầm non số 1, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên). Điểm trường có ba phòng, là nơi học tập của 38 trẻ từ 0 đến 5 tuổi, trong đó 18 em đến từ Làng Nủ. Lũ quét đã khiến 10 trẻ tử vong, nhỏ nhất 38 ngày tuổi, lớn nhất 5 tuổi. Các cô giáo ở đây chia sẻ rằng, các em hầu hết là người dân tộc Tày, gia đình đều nghèo, cận nghèo nhưng các cô chưa từng phải vận động đến lớp. Trẻ Làng Nủ đều thích đến trường. Tiếng trống khai giảng năm học mới vừa dứt, đồ dùng của các em cũng còn mới nguyên... nhưng mọi ước mơ đã dừng lại. Không trẻ nào còn đủ bố mẹ, có em mất cả gia đình nên kỷ vật sẽ được gửi về cho người thân.

Bên cạnh những thiệt hại về người, bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây nhiều thiệt hại về nhà ở, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp. Đã có gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000ha lúa, gần 48.000ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu gia cầm, gia súc bị chết…

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; nhiều biển hiệu quảng cáo, cột điện, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ. Tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng…Tình trạng sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ xảy ra ở hầu hết các địa phương.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước thiệt hại về vật chất do bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt gây ra khoảng 40 ngàn tỷ đồng./.

Bài 2: Ứng phó kịp thời, xử lý linh hoạt

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục