Siêu bão Irma đẩy khu vực Caribe vào tình trạng hỗn loạn

"Siêu bão thế kỷ" Irma đẩy khu vực Caribe vào tình trạng hỗn loạn

Các quốc gia vùng Caribe, từ Cuba đến Antigua và Barduba, đã bắt đầu thống kê thiệt hại sau khi siêu bão Irma càn quét khu vực này, khiến ít nhất 28 người thiệt mạng, giao thông liên lạc bị cắt đứt.
Bão Irma tấn công đảo Saint Martin ở Caribe. (Nguồn: AFP)

Các quốc gia vùng Caribe, từ Cuba đến Antigua và Barduba, đã bắt đầu thống kê thiệt hại sau khi siêu bão Irma càn quét khu vực này, khiến ít nhất 28 người thiệt mạng, giao thông liên lạc bị cắt đứt, nhà cửa bị phá hủy và nhiều đảo nhỏ bị cô lập.

Giới chức các nước cho rằng khu vực vốn phụ thuộc chủ yếu vào ngành du lịch này có thể sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể phục hồi sau bão.

Trong bối cảnh bão Irma - cơn bão được cho là mạnh nhất trong 100 năm qua ở Đại Tây Dương, gây thiệt hại nặng nề, ước tính lên tới hàng tỷ USD, các nước châu Âu đã triển khai binh sỹ đến khu vực nhằm duy trì trật tự khi tình trạng cướp bóc đã xảy ra.


[Siêu bão Irma hoành hành ở Caribe xô đổ nhiều kỷ lục thời tiết]

Tại Cuba, một ngày sau khi siêu bão Irma rời khỏi hòn đảo này, những con sóng lớn vẫn trùm qua đê chắn sóng Malecon - biểu tượng của thủ đô La Habana, khiến hoạt động kinh doanh dọc bờ biển trong ngày 10/9 bị tê liệt.

Hàng nghìn ngôi nhà, các công ty và khách sạn ở thủ đô La Habana - nơi có khoảng 2 triệu người sinh sống và các khu vực lân cận dọc bờ biển bị ngập lụt, nhiều nơi nước biển xâm nhập vào sâu tới 500m.

Hầu hết các khu vực tại La Habana phải chịu cảnh mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt.

Các cơ quan chức năng dự báo bão Irma vẫn tiếp tục để lại hậu quả tại thủ đô La Habana trong ngày 11/9.

Tại miền Trung Cuba - nơi bão Irma đổ bộ vào khu vực này hôm 9/9, truyền thông Cuba cho biết Irma đã phá hủy "nghiêm trọng" khu vực này.

Với sức gió lên tới 256 km/giờ, nhiều căn nhà bị tốc mái, cây cối bị gãy đổ và đường điện bị cắt đứt. Để đối phó với bão Irma, chính quyền Cuba đã sơ tán hơn 1 triệu người, trong đó có khoảng 4.000 người sống ở các khu vực thấp trũng. Hiện chưa có thông báo về con số thương vong và thiệt hại đối với ngành trồng mía đường và chuối tại Cuba.

Trong khi đó, ở khu vực phía Đông Caribe, chính quyền các đảo bị ảnh hưởng bởi bão Irma trong đó có St. Martin và Barbuda, cũng đang thống kê thiệt hại.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết số người thiệt mại tại đảo St. Martin - vùng lãnh thổ của Hà Lan đã lên 4 người và 70% số nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại.

Sau khi có thông báo về việc xảy ra tình trạng cướp bóc, Hà Lan cho biết sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội tại hòn đảo này trong ngày 11/9 lên 550 binh sỹ. Hiện lực lượng chức năng Hà Lan đang sơ tán du khách và những người bị thương tới Curacao - vùng lãnh thổ của Hà Lan ở phía Nam Caribe.

Dự kiến, Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander và Bộ trưởng Nội vụ Ronald Plasterk cũng sẽ đến Curacao trong ngày 11/9. 

Pháp cũng tăng cường sự hiện diện của lực lượng cảnh sát tới đảo St. Barthelemy và phần còn lại của đảo St. Martin - các vùng lãnh thổ của nước này tại Caribe, lên gần 500 người.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết lực lượng chức năng đã bắt giữ 11 đối tượng có hành vi quá khích kể từ ngày 8/9. Ước tính ít nhất 10 người đã thiệt mạng do ảnh hưởng của bão Irma trên 2 hòn đảo thuộc Pháp. Theo Tập đoàn tái bảo hiểm Caisse Centrale de Reassurance thuộc sở hữu nhà nước của Pháp, thiệt hại do bão Irma có thể lên đến 1,44 tỷ USD. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến cũng sẽ tới đảo St. Martin vào ngày 12/9.

Trong khi đó, giới chức quốc đảo Antigua và Barbuda, với dân số khoảng 1.800 người, cho biết quốc đảo này có thể mất tới hàng trăm triệu USD để khắp phục hậu quả do bão Irma gây ra. Thủ tướng Antigua và Barbuda Gaston Browne cho biết Irma đã "phá hủy hoàn toàn" Barduba với 90% số ôtô và nhà cửa bị phá hủy.

Ngoài ra, siêu bão Irma còn khiến quần đảo Virgin - vùng lãnh thổ thuộc Anh rơi vào tình trạng hỗn loạn. Bão lớn khiến 5 người thiệt mạng, nhiều tàu thuyền chồng lên nhau và nhiều ngôi nhà ở thủ đô Road Town bị hư hỏng nặng nề.

Tỷ phú người Anh Richard Branson gọi Irma là "cơn bão thế kỷ" đồng thời kêu gọi quyên góp hỗ trợ tái thiết quần đảo. Trong khi đó, chính quyền quần đảo Virgin cũng kêu gọi Anh hỗ trợ dài hạn đối với quần đảo có khoảng 28.000 người sinh sống và kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch này.

Chính phủ Anh đã tổ chức họp khẩn trong ngày 10/9 để đánh giá thiệt hại do bão Irma gây ra. Ngoại trưởng Boris Johnson coi đây là "một thảm họa" đồng thời cho biết đã triển khai 3 máy bay tới quần đảo để hỗ trợ công tác cứu trợ, trong khi 500 binh sỹ Anh cũng đã có mặt tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão Irma./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục