Siết tín dụng để phòng ngừa khủng hoảng toàn cầu

BCBS và FSB siết chặt tín dụng và giảm đầu tư trong thời kỳ chuyển tiếp nhằm phòng ngừa nguy cơ tái  khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) và Ban ổn định tài chính (FSB) ngày 20/8 đã công bố báo cáo về các tiêu chuẩn mới về vốn ngân hàng và thanh khoản, đồng thời thông báo các bước thực hiện các tiêu chuẩn này nhằm phòng ngừa sớm nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Quy chế mới siết chặt tín dụng và giảm đầu tư trong thời kỳ chuyển tiếp xuống mức độ thấp hơn nhiều so với dự báo của các ngân hàng.

BCBS và FSB nhấn mạnh quy chế này tuy chỉ tác động khiêm tốn đến tổng sản lượng kinh tế, nhưng sẽ đem lại những lợi ích thực chất dài hạn nhờ tăng nguồn vốn tối thiểu của ngân hàng và các yêu cầu thanh khoản để tăng khả năng linh hoạt của hệ thống ngân hàng toàn cầu sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây.

Chủ tịch BCBS Nout Wellink cho rằng những lợi ích dài hạn không chỉ bắt nguồn từ hệ thống ngân hàng mạnh hơn mà còn từ lòng tin được củng cố hơn về sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Lợi ích của yêu cầu vốn và thanh khoản cao là góp phần giảm khả năng khủng hoảng tài chính và thiệt hại về sản lượng kinh tế do khủng hoảng.

BCBS là cơ chế giám sát ngân hàng do hội nghị các thống đốc ngân hàng Trung ương nhóm G10 thành lập năm 1974 ở Basel, Thụy Sỹ trong khuôn khổ Ngân hàng Thanh toán quốc tế có trụ sở ở Basel.

FSB được thành lập để xử lý các tổn thương tài chính, phát triển và thực hiện các chính sách giám sát, quy chế và các chính sách khác nhằm ổn định tài chính toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục