Siết quản lý tài chính về công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức

Thông tư siết quản lý thu chi tài chính về tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội do cả cơ quan nhà nước tổ chức và ngoài nhà nước thực hiện.
Siết quản lý tài chính về công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức ảnh 1Khách hành hương về đền Đông Cuông dâng hương kính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 31/1, Bộ Tài chính thông tin hướng dẫn thực hiện Thông tư 04/2023/TT-BTC về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 19/3 tới.

Theo đó, các quy định siết lại việc quản lý công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức với các đối tượng là cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước, nhằm hướng tới việc bảo đảm an toàn, minh bạch đối với các khoản kinh phí cho tổ chức lễ hội đã tiếp nhận.

Cụ thể, các lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, đơn vị thực hiện phải có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

[Quảng Ninh: Nô nức Khai hội Xuân Yên Tử sau 2 năm gián đoạn]

Đối với các trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt, các đơn vị phải cử người tiếp nhận đồng thời mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Trong trường hợp số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng, các đơn vị phải gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản kinh phí cho tổ chức lễ hội đã tiếp nhận.

Về các lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức, các cá nhân và đơn vị thực hiện cũng phải mở sổ sách ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội.

Thông tư cũng nhấn mạnh các đối tượng này có thế tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nội dung tại Thông tư cũng khẳng định Nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Thông tư cũng quy định chi tiết theo 5 chủ thể là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích, bao gồm người đại diện cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, chủ sở hữu di tích tư nhân, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý di tích kiêm nhiệm.

Thông tư này không áp dụng đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục