Siết chặt kiểm soát phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, từ năm 2021 trở lại đây giá phân bón đã tăng gấp đôi khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn.
Lực lượng chức năng kiểm tra Công ty TNHH Thương mại-dịch vụ-sản xuất Trang Điền phát hiện số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Gần đây, giá phân bón tăng mạnh do nguồn cung giảm đột ngột khiến một số đối tượng xấu lợi dụng tình hình để sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Chính vì vậy, ngoài chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm.

Lợi dụng kẽ hở

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, từ năm 2021 trở lại đây giá phân bón đã tăng gấp đôi khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Xuất phát từ những yếu tố này đã có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Tiền Giang cho biết, liên quan đến lĩnh vực phân bón, các hành vi vi phạm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng... địa bàn nổi cộm, có nhiều trường hợp vi phạm là huyện Châu Thành, huyện Tân Phước...

Điển hình, ngày 17/5 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cá nhân gần 180 triệu đồng về hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 60 triệu đồng.

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành do Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Tiền Giang) đã chủ trì kiểm tra đột xuất tại một cơ sở buôn bán phân bón trên địa bàn huyện Tân Phước. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng lấy một mẫu phân bón để gửi kiểm nghiệm chất lượng.

[Đau đầu xử lý vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng]

Kết quả, mẫu phân bón này là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng vì có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng. Cụ thể, chỉ tiêu lân hữu hiệu (P2O5hh) chỉ đạt 1,6%, kali hữu hiệu (K2Ohh) chỉ đạt 4,1%; trị giá hàng hóa vi phạm gần 60 triệu đồng.

Sau khi thẩm tra, xác minh thông tin, Đội số 6 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, do vụ việc có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại điều 195 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 nên lực lượng quản lý thị trường đã chuyển giao hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Tân Phước để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật. Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Tiền Giang đã có quyết định không khởi tố hình sự.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 60 bao phân bón là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và 80 bao phân bón trên nhãn có thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật.

Trước đó, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra Hộ Kinh doanh vật tư nông nghiệp H.T tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ do bà M.H.Q.T làm chủ.

Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại Hộ kinh doanh có 80 bao phân bón hỗn hợp NP HPH-NP 18-46 nhưng trên nhãn ghi thông tin là DAP 18-46-0. Tổng giá trị hàng hóa là 88.000.000 đồng.

Đồng thời, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu lô hàng 60 bao phân bón trung lượng bón rễ Agri Zone để đánh giá chất lượng. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu từ Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 thì lô hàng là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Tổng giá trị hàng hóa là 19.800.000 đồng.

Sau khi thẩm tra xác minh và làm việc với chủ hộ kinh doanh, Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm nêu trên. Ngày 23/5/2022 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 65 triệu đồng đối với bà M.H.Q.T - chủ hộ kinh doanh H.T với hành vi vi phạm buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó.

Đồng thời tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán của bà M.H.Q.T 2 tháng và buộc tiêu hủy 60 bao phân bón Agri Zone, thu hồi và loại bỏ các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật 80 bao phân bón NP HPH-NP 18-46.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả.

Dây chuyền đóng gói sản phẩm phân bón NPK tại Công ty Cổ phần Bình Điền-Quảng Trị. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.

Cũng theo số liệu thống kê, hàng năm Việt Nam sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Phân bón giả gây ra hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất thấp, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.

Để tránh tình trạng mua phải phân bón giả, nhiều chuyên gia cho rằng nông dân nên hạn chế mua phân bón trôi nổi, chọn mua phân bón tại những cơ sở uy tín, mặt hàng có thương hiệu, bao bì rõ ràng.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Tiền Giang cho hay, hiện nay các đội quản lý thị trường trực thuộc Cục đang tích cực bám sát địa bàn nhằm kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên trên địa bàn. Qua đó, từng bước bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.

Ông Nguyễn Đức Lê- Phó trưởng phòng nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) nhận định: Hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư; sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định và xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó.

Dự báo, trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp, để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã có Công văn số 129/TCQLTT-CNV ngày 26/1/2022 về việc tăng cường kiểm tra mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, song song với chuyên môn, lực lượng tiếp tục kết hợp làm tốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục