Lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc số 2562/UBND-KT yêu cầu siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.
Chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp
Theo đánh giá, cơ bản các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt những vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng; thậm chí có một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tính trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố.
[Hà Nội ban hành mẫu giấy đi đường cho người đủ điều kiện lưu thông]
Vì vậy, nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8 về tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố đến 6 giờ ngày 23/8, Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị cùng với Giấy đi đường theo mẫu đã ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7, người đi đường phải xuất trình kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư; lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Thành phố cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND và Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch thành phố, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.
“Chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ,” lãnh đạo thành phố lưu ý.
Lãnh đạo thành phố đề nghị người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cam kết về việc đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gây lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; không lập kế hoạch hoạt động, phân công công tác; cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng Giấy đi đường sai mục đích.
Xử lý nghiêm các vi phạm
Tại văn bản 2562, lãnh đạo thành phố giao công an thành phố; Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại các chốt; các lực lượng Tổ tự quản, Tổ covid cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra Giấy đi đường tại các chốt kiểm soát, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo hướng như sau:
Các địa phương cần kiểm soát, giám sát việc sử dụng Giấy đi đường có điểm đến trên địa bàn mình quản lý để phát hiện, nhắc nhở hoặc kiến nghị xử lý các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách.
Đặc biệt, các chốt kiểm tra khi phát hiện các trường hợp sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, thông tin đến Công an xã, phường, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức cấp Giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.
- Mẫu giấy tờ sử dụng cho người đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Lãnh đạo thành phố giao Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn, cụ thể như sau:
Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố: phối hợp Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo).
Đối với các Khu, Cụm công nghiệp, chính quyền địa phương chủ động phối hợp các Chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với các chợ, Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định. Trên cơ sở danh sách do các Ban Quản lý chợ cung cấp, Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng.
Đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động, lãnh đạo thành phố yêu cầu phối hợp Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.
Việc triển khai cấp hoặc xác nhận liên quan đến Giấy đi đường trong thời gian giãn cách, Ủy ban Nhân dân các xã, phường thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, thông báo các tổ chức, cá nhân thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19.
“Sở Nội vụ có hình thức kiểm tra công vụ phù hợp trong thời gian giãn cách đối với của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND; Công điện số 18/CĐ-UBND và chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố tại văn bản này,” lãnh đạo thành phố nhấn mạnh./.
Tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4 đến nay đã có 1.783 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1.074 trường hợp tại cộng đồng và 709 trường hợp tại khu cách ly. - Tính riêng từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội có 1.283 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó từ thời điểm bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội từ 24/7 đến nay, sau 15 ngày, số ca mắc COVID-19 là 1.118 ca. Cụ thể: *Công an thành phố Hà Nội cho biết trong ngày 7/8, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 842 trường hợp vi phạm phòng chống dịch với số tiền 1.259.800.000 đồng. |