Siemens 'chốt' hợp đồng chế tạo đầu máy xe điện lớn nhất với Ấn Độ

Thông báo của Siemens cho biết thỏa thuận trị giá 3 tỷ euro (khoảng 3,2 tỷ USD) sản xuất 1.200 đầu máy xe điện trong thời hạn 11 năm, bao gồm việc bảo trì và sửa chữa trong thời hạn 35 năm.
(Nguồn: economictimes)

Tập đoàn Siemens của Đức ngày 17/1 thông báo đã ký được đơn đặt hàng lớn nhất từ trước đến nay của Công ty đường sắt quốc gia Ấn Độ, sản xuất 1.200 đầu máy xe điện trong hơn 11 năm, đồng thời sửa chữa và bảo trì trong 35 năm.

Thông báo của Siemens cho biết thỏa thuận trị giá 3 tỷ euro (khoảng 3,2 tỷ USD) sản xuất 1.200 đầu máy xe điện trong thời hạn 11 năm. Hợp đồng cũng bao gồm việc bảo trì và sửa chữa trong thời hạn 35 năm.

Đầu máy xe lửa điện, được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, có công suất 9.000 mã lực, có thể kéo tới 4.500 tấn hàng hóa với tốc độ lên tới 120 km/giờ (khoảng 75 dặm/giờ).

Hầu hết các công đoạn sản xuất đều được thực hiện tại các nhà máy của Siemens ở Ấn Độ, riêng toa tàu được chế tạo tại nhà máy Siemens Mobility cũng ở nước này.

Quá trình lắp ráp sẽ có sự tham gia của các thợ cơ khí đường sắt Ấn Độ ở bang Gujarat. Siemens cũng cho biết hoạt động bảo trì, bảo dưỡng trong tương lai cũng đã được lên kế hoạch.

[Tập đoàn công nghiệp Siemens hứng chịu lỗ ròng đáng kể trong quý 2]

Gã khổng lồ công nghệ này của Đức cho biết Ấn Độ là một trong những quốc gia có mạng lưới đường sắt lớn và phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Giám đốc điều hành Siemens Roland Busch cho biết: “Ấn Độ muốn tăng gấp đôi công suất vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Đơn đặt hàng này sẽ giúp quốc gia đông dân thứ hai thế giới đạt được các mục tiêu tham vọng là xây dựng mạng lưới đường sắt điện khí hóa lớn nhất thế giới.”

Trong vài năm qua, Siemens đã ký được nhiều hợp đồng có giá trị lớn cho các dự án đường sắt ở nước ngoài. Không chỉ chế tạo tàu hỏa, tháng 9/2021, Siemens đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 8 tỷ euro với Ai Cập xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc lớn thứ sáu trên thế giới.

Mạng lưới đường sắt cao tốc siêu hiện đại dài 2.000km sẽ kết nối 60 thành phố tại Ai Cập, với các đoàn tàu có thể chạy với vận tốc lên tới 230km/h. Điều này có nghĩa khoảng 90% người dân Ai Cập sẽ được sử dụng hệ thống đường sắt hiện đại, an toàn và tích hợp này.

Với việc chuyển đổi giao thông sang vận chuyển bằng tàu hỏa, mạng lưới điện khí hóa sẽ cắt giảm hoàn toàn 70% lượng khí thải carbon so với vận chuyển bằng ôtô hoặc xe buýt hiện nay, góp phần thêm cho nỗ lực của Ai Cập trong việc chuyển đổi giao thông sang hình thức bền vững hơn.

Ngoài ra, Siemens cũng sẽ cung cấp các dịch vụ chìa khóa trao tay toàn diện bao gồm thiết kế, lắp đặt, chạy thử và bảo trì toàn bộ hệ thống trong vòng 15 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục