Siemens cấp thiết bị y tế cho bệnh viện đột quỵ đầu tiên ở ĐBSCL

Dự án Bệnh viện tim mạch và đột quỵ Cần Thơ đóng một vai trò quan trọng và nhiều ý nghĩa trong việc chăm sóc sức khỏe cho 17 triệu người dân ở đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn cảnh Lễ ký kết. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 22/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị và dịch vụ giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư y tế Việt Cường và Siemens Healthineers cho dự án Bệnh viện tim mạch và đột quỵ Cần Thơ (SIS Cần Thơ).

Theo đó, bệnh viện đột quỵ đầu tiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ được trang bị hệ thống chẩn đoán hình ảnh hiện đại từ Siemens Healthineers. Dự án này đóng một vai trò quan trọng trong việc cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân đột quỵ đồng thời cải thiện việc chăm sóc và điều trị đột quỵ cấp tính.

Số lượng các ca bệnh đột quỵ hiện đang tiếp tục tăng cao. Là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và tàn phế, bệnh đột quỵ có thể xảy đến với bất kỳ ai, trong bất kỳ độ tuổi nào và ở bất kỳ thời điểm nào. Thống kê tại Việt Nam cho thấy, có trung bình khoảng 200,000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm. Nguy cơ tàn phế và tử vong vẫn còn cao do nhiều nguyên nhân trong đó bao gồm khả năng can thiệp nội mạch cấp cứu đột quỵ tại các bệnh viện còn hạn chế và thời gian nhập viện muộn. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm có khoảng 10.000 ca đột quỵ với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao hơn so với khu vực thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh.

Với tâm huyết của các bác sỹ chuyên khoa đầu ngành trong và ngoài nước, và với mục tiêu giảm thương tật, tử vong cho bệnh nhân đột quỵ và tim mạch, đồng thời với sự hỗ trợ tích cực của sở ngành địa phương và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, dự án Bệnh viện đột quỵ tim mạch Cần Thơ đã chính thức khởi công xây dựng ngày 20/7.

Bác sỹ Trần Chí Cường, Chủ tich Hội can thiệp thần kinh Thành phố Hồ Chí Minh, giám đốc y khoa của bệnh viện tim mạch và đột quỵ Cần Thơ cho biết: “Trong giai đoạn đầu, quy mô bệnh viện sẽ có khoảng 60 giường cho bệnh nhân điều trị nội trú và sẽ mở rộng lên 150-200 giường trong giai đoạn tiếp theo. Mục đích của chúng tôi nhằm phục vụ nhu cầu cấp cứu, can thiệp đột quỵ cho tất cả các tỉnh miền Tây với chất lượng chuyên môn đạt chuẩn quốc tế, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại. Ngoài chức năng khám chữa bệnh, bệnh viện đột quỵ tim mạch Cần Thơ sẽ là trung tâm đào tạo thực hành chuyên sâu cho các bệnh viện trong và ngoài nước có nhu cầu, sẽ là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế nghiên cứu khoa học cho khu vực.”

Ông Fabrice Leguet, Tổng giám đốc Siemens Healthineers tại Việt Nam nhấn mạnh: “Dự án SIS Cần Thơ đóng một vai trò quan trọng và nhiều ý nghĩa trong việc chăm sóc sức khỏe cho 17 triệu người dân ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong việc điều trị kịp thời cho các bệnh nhân đột quỵ và tim mạch cũng như đào tạo và phát triển chuyên môn. Chúng tôi tự hào là đối tác của dự án này. Thông qua những đóng góp của mình cho dự án, chúng tôi một lần nữa khẳng định những cam kết của Siemens Healthineers dành cho lĩnh vực y tế tại Việt Nam và sẽ tiếp tục mở rộng những đóng góp của mình không chỉ bằng việc cung cấp thiết bị, công nghệ hiện đại mà còn thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kiến thức”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục