Thời điểm cận Tết Nguyên đán, các shipper (người giao hàng) thường hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
"Bơi" trong đơn hàng là tình trạng chung của nhiều shipper trong những ngày cuối năm. Nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng gấp 2-3 lần ngày thường kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các đơn vị thương mại điện tử, các đơn vị bán lẻ cũng tăng mạnh, khiến những shipper phải hoạt động hết công suất với số lượng hàng trăm đơn hàng mỗi ngày.
"Những ngày cận Tết, cứ hết đơn hàng mới được nghỉ. Chúng tôi phải 'cày' xuyên trưa có khi đến tận tối muộn. Trung bình mỗi ngày tôi giao khoảng 200 đơn hàng, có những ngày cao điểm kỷ lục lên đến 700 đơn hàng," anh Tam, nhân viên giao hàng của đơn vị HNI Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa ăn vội chiếc bánh mì vừa chia sẻ.
Sinh viên Thủ đô tất bật làm thêm dịp cận Tết Nguyên đán
Tận dụng khoảng thời gian trước dịp nghỉ Tết, nhiều sinh viên tại Hà Nội tranh thủ tìm thêm việc làm thời vụ nhằm tăng thu nhập, học hỏi kinh nghiệm và luyện tập khả năng giao tiếp trong cuộc sống.
Tuy khối lượng công việc lớn nhưng các shipper vẫn cố gắng "tăng ca" để hoàn thành chỉ tiêu nhằm kiếm thêm thu nhập cũng như để đủ điều kiện nhận thêm các khoản tiền thưởng từ những đơn vị vận chuyển.
"Với mỗi đơn hàng giao thành công, tôi được trả khoảng 3.500 đồng/đơn. Dịp cận Tết tôi phải giao số lượng hàng gấp đôi ngày thường, trung bình từ 200-300 đơn nên thu nhập cũng tăng thêm khoảng 500.000-700.000 đồng/ngày," anh Cường, nhân viên giao hàng của Shopee cho biết.
Bên cạnh các shipper "chuyên nghiệp," nhiều shipper "nghiệp dư" là các sinh viên cũng đang tranh thủ tìm việc làm thêm trong những ngày cuối năm nhằm kiếm thêm thu nhập trước khi về quê ăn Tết cùng gia đình.
"Buổi tối không phải đến trường nên tôi tranh thủ 'cày thêm' các đơn hàng vận chuyển do công việc này không yêu cầu nghiệp vụ cao. Tôi thường tìm kiếm các đơn giao hàng trên các hội nhóm ship qua các ứng dụng như Facebook, Zalo... Trung bình mỗi đơn hàng tôi sẽ nhận được từ 20.000-100.000 đồng/đơn, tùy theo khoảng cách và khối lượng hàng," Phạm Nam Anh, sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện Gojek cho hay trong những tuần giáp Tết, đơn vị này ghi nhận đơn hàng có xu hướng tăng đều ở tất cả dịch vụ, đặc biệt ở dịch vụ vận chuyển GoRide, GoCar và dịch vụ gửi hàng hóa qua GoSend. Rriêng dịch vụ gửi hàng hóa có tỉ lệ tăng mạnh hai con số so với tuần trước đó.
Xu hướng tăng này đã bắt đầu từ những tuần đầu tháng 1/2024. Điều này cho thấy người dân đã có những hoạt động chuẩn bị Tết, với nhu cầu cao cho việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế lượng đối tác tài xế hoạt động giai đoạn này có xu hướng giảm do nhiều người về quê, nghỉ lễ...
"Do đó, nhằm hỗ trợ các đối tác tài xế vẫn duy trì hoạt động để phục vụ người dùng trong thời gian cả nước nghỉ Tết, Gojek áp dụng một số khoản phụ phí nghỉ lễ đối với các khoản cước vận tải. Toàn bộ số tiền phụ phí này, sau khi được khấu trừ các khoản thuế theo quy định của nhà nước, sẽ được chuyển toàn bộ vào ví của đối tác tài xế," đại diện Gojek chia sẻ./.