Shangri-La 2018: Nhật Bản tránh dùng từ "sức ép" đối với Triều Tiên

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã tránh sử dụng từ "sức ép" đối với Triều Tiên sau các cuộc gặp với những người đồng cấp Mỹ và Australia bên lề tại Đối thoại Shangri-La 2018.
Shangri-La 2018: Nhật Bản tránh dùng từ "sức ép" đối với Triều Tiên ảnh 1ộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (phải) và người đồng cấp Mỹ James Mattis (trái). (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã tránh sử dụng từ "sức ép" đối với Triều Tiên sau các cuộc gặp với những người đồng cấp Mỹ và Australia bên lề tại Đối thoại Shangri-La 2018 đang diễn ra tại Singapore.

Nhiều khả năng Nhật Bản đã cân nhắc đến sự thay đổi chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng.

Ông Onodera đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng cấp Australia Marise Payne tại Singapore, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không muốn sử dụng cụm từ "sức ép tối đa" thêm nữa, bởi mối quan hệ Mỹ-Triều đang tốt lên.

[Đối thoại Shangri-La 2018: Nhật - Hàn "đấu khẩu" về Triều Tiên]

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với 2 người đồng cấp nêu trên, ông Onodera nhấn mạnh "Nhật Bản, Mỹ và Australia đã nhất trí phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm buộc Triều Tiên phải có những bước đi cụ thể" để đạt được việc loại bỏ hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược." 

Trước đó cùng ngày, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng hối thúc cộng đồng quốc tế giữ nguyên các lệnh trừng phạt và giám sát đối với Triều Tiên vì cho rằng Bình Nhưỡng thường xuyên không tuân thủ các cam kết trước đây.

Bộ trưởng Onodera bày tỏ lo ngại lịch sử sẽ lặp lại khi Triều Tiên sẽ tuyên bố phi hạt nhân nhưng sau đó sẵn sàng phá bỏ cam kết và phá hoại mọi nỗ lực kiến tạo hòa bình của cộng đồng quốc tế.

Theo Bộ trưởng Onodera, cách duy nhất để mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên là bảo đảm Triều Tiên phải có những hành động cụ thể nhằm phá hủy toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục