Serbia vẫn bị ảnh hưởng phóng xạ do không kích

Một phần urani làm nghèo ở Serbia do vụ không kích năm 1999 của NATO vẫn không được tẩy sạch và đang tồn tại trong không khí.
Việc "làm sạch" các vùng lãnh thổ của Cộng hòa Serbia, bị nhiễm xạ do hậu quả đợt không kích của NATO nhằm vào nước này năm 1999, được tiến hành không đúng cách.

Vì vậy, một phần urani làm nghèo (từ những quả bom và tên lửa mang đầu đạn chứa loại chất này), vẫn không được tẩy sạch và đang tồn tại trong không khí, gây nhiều hậu quả với quốc gia ở Tây Balkan này.

Hiện chưa có con số chính xác về số lượng đầu đạn có chứa urani làm nghèo mà NATO đã sử dụng trong chiến dịch không kích Serbia, tuy nhiên, theo các nguồn tin khác nhau, con số này có thể từ 31.000-90.000 đơn vị.

Theo chuyên gia về chất độc thuộc Viện nghiên cứu vệ sinh an toàn lao động và chống phóng xạ Serbia Radomir Kavatrevik, tới nay các biện pháp làm sạch và khử độc phóng xạ chỉ được tiến hành tại bốn khu vực ở Đông Nam Serbia, trong khi còn tới 107 khu vực chịu ảnh hưởng chưa được đụng đến.

Bên cạnh đó, hoạt động này chỉ tập trung vào thu dọn các quả tên lửa chưa nổ, mà không tẩy phóng xạ sâu trong đất. Ngoài ra, các phần tử ôxít urani bị khuếch tán trong không khí cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Các nghiên cứu cho thấy urani làm nghèo có tác động xấu đến sức khỏe con người, làm tổn hại thận và các thành phần máu, cũng như gây dị tật ở trẻ sơ sinh. Nhưng nguy hiểm hơn cả là nó có thể dẫn tới bệnh ung thư.

Theo các số liệu thống kê, hàng năm tại vùng Kosovo, một trong những khu vực của Serbia hứng chịu nhiều bom đạn trong đợt không kích năm 1999, có tới 5.000 người chết vì bệnh ung thư, cao gấp ba lần so với số người chết vì cùng nguyên nhân tại đây trước cuộc không kích.

Tỷ lệ người chết vì ung thư ở Kosovo là cao nhất tại khu vực Balkan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục