Serbia và Montenegro xuất hiện những căng thẳng ngoại giao mới

Bộ Ngoại giao Montenegro tuyên bố nước này không chấp nhận Đại sứ Serbia Vladimir Bozovic vì "can thiệp vào công việc nội bộ của Montenegro" và giới chức Belgrade đã có hành động đáp trả ngay sau đó.
Serbia và Montenegro xuất hiện những căng thẳng ngoại giao mới ảnh 1Serbia và Montenegro thường xuyên xảy ra căng thẳng. (Ảnh: AFP)

Ngày 28/11, Montenegro và Serbia đã có động thái đáp trả lẫn nhau về ngoại giao khi thông báo trục xuất các đại sứ, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ hai nước. 

Thông báo của Bộ Ngoại giao Montenegro cho biết nước này không chấp nhận Đại sứ Serbia Vladimir Bozovic vì "can thiệp vào công việc nội bộ của Montenegro", song không nêu rõ cụ thể. Không lâu sau đó, Bộ Ngoại giao Serbia đáp trả bằng thông báo yêu cầu Đại sứ Montenegro Tarzan Milosevic rời Serbia trong vòng 72 giờ tới.

[EU áp đặt trở lại cảnh báo đi lại đối với Serbia và Montenegro]

Theo các hãng truyền thông, hôm 27/11 vừa qua, ông Bozovic đã có một phát biểu gây tranh cãi khi gọi viêc thành lập Vương quốc Nam Tư (trong đó thống nhất Montenegro cùng nhà nước Slovene, Croat và Serb) vào năm 1918 là một "sự giải phóng".

Theo ông Bozovic, đây là hành động "tự do bày tỏ mong muốn thống nhất với những người anh em Serbia". Về phát biểu này, Bộ Ngoại giao Montenegro cho rằng ông Bozovic đã "trực tiếp xem thường quốc gia đã cho ông ấy sự đón tiếp nhiệt tình về ngoại giao."

Cộng hòa Serbia và Montenegro đều từng là thành viên Liên bang Nam Tư cũ (tồn tại tới đầu thập niên 90 của thế kỷ XX) và Liên bang Nam Tư mới (thành lập năm 1992 sau khi Liên bang Nam Tư cũ tan rã). Năm 2003, hai nước này thành lập Nhà nước Serbia-Montenegro, thay thế cho Liên bang Nam Tư mới.

Nhà nước mới là hình thức liên bang lỏng lẻo hơn, theo đó hai nước cộng hòa thành viên thực chất chỉ gắn bó với nhau trong các vấn đề quốc phòng và ngoại giao. Đến năm 2006, cả Serbia và Montenegro đã tuyên bố tách ra thành hai nước độc lập. Kể từ đó, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng không ít lần rơi vào căng thẳng do những vấn đề tranh cãi trong lịch sử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục