Serbia và Croatia khôi phục quan hệ song phương

Việc bình thường hóa quan hệ và hợp tác giữa Serbia-Croatia là yêu cầu chính đặt ra trong lộ trình gia nhập EU đối với cả hai nước.
Tổng thống Serbia Boris Tadic, đang ở thăm Croatia, ngày 24/3 đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Ivo Josipovic tại khu nghỉ dưỡng ven biển Opatia, Croatia nhằm làm dịu căng thẳng và hàn gắn quan hệ giữa hai nước cũng như cùng hướng đến việc trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Serbia và Croatia đều cho rằng mặc dù đây chỉ là cuộc gặp không chính thức, song nó có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục quan hệ song phương, vốn đang bị đóng băng và mang tính "thù địch."

Hai tổng thống đã cam kết mở ra "một kỷ nguyên mới trong quan hệ" giữa hai nước cộng hòa lớn nhất thuộc Nam Tư trước đây.

Cả Serbia và Croatia đều mong muốn gia nhập EU và việc bình thường hóa quan hệ và hợp tác giữa hai quốc gia ở Tây Balkan này là yêu cầu chính đặt ra trong lộ trình gia nhập EU đối với cả hai nước.

Phát biểu tại cuộc hội đàm, Tổng thống Tadic cho rằng Serbia và Croatia cần phải có trách nhiệm đối với khu vực và việc đưa toàn bộ khu vực hội nhập với EU chính là vì lợi ích của cả hai nước.

Về phần mình, Tổng thống Josipovic nhất trí rằng cần nhanh chóng cải thiện quan hệ hai nước và các cuộc gặp cấp cao phải được tổ chức thường xuyên hơn nhằm làm tan băng trong mối quan hệ song phương hiện nay.

Slovenia là nước duy nhất trong số các nước thành viên Nam Tư cũ đã gia nhập EU, trong khi Croatia đang thúc đẩy các cuộc cải cách chính trị và kinh tế để hi vọng có thể là nước tiếp theo trở thành thành viên EU vào năm 2012.

Quan hệ giữa Serbia và các nước láng giềng thuộc Nam Tư cũ, trong đó có Croatia, đã bị đóng băng sau khi các nước này công nhận nền độc lập của Kosovo sau khi tỉnh thuộc Serbia này tuyên bố độc lập vào năm 2008.

Những vấn đề chính đang cản trở quan hệ Serbia-Croatia chính là việc giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh từ năm 1991 đến năm 1995 tại Croatia chống lại người Serbia thiểu số, được Beograd hậu thuẫn đòi độc lập; việc hồi hương và trao trả tài sản cho người tị nạn Serbia; xét xử tội phạm chiến tranh và cách đối xử với người thiểu số./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục