Sequoia Capital chia tách bộ phận, rút khỏi Trung Quốc và Ấn Độ

Sequoia Capital - một trong những công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng nhất ở Thung lũng Silicon - sẽ rút khỏi Trung Quốc và Ấn Độ, theo đó, bộ phận tại Trung Quốc sẽ tách thành một công ty độc lập.
Sequoia Capital chia tách bộ phận, rút khỏi Trung Quốc và Ấn Độ ảnh 1Đối tác Sequoia Capital Roelof Botha (trái) và Neil Shen, đối tác sáng lập và quản lý của Sequoia Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Quỹ đầu tư mạo hiểm khổng lồ Sequoia, ngày 6/6, thông báo sẽ rút khỏi Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm tái cấu trúc cơ cấu, hướng tới mục tiêu đơn giản hóa hoạt động kinh doanh của công ty.

Sequoia Capital là một trong những công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng nhất ở Thung lũng Silicon.

Trong thông báo vừa đưa ra, quỹ này cho biết sẽ chia tách bộ phận ở Trung Quốc thành một công ty độc lập, phù hợp với kế hoạch chung của Quỹ là chia thành ba tổ chức đối tác độc lập.

Cụ thể, hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Sequoia sẽ được gọi là HongShan, hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ được gọi là Peak XV Partners và trụ sở chính tại Mỹ và châu Âu giữ tên gốc là Quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia.

Động thái của Sequoia diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về đầu tư và phát triển công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng.

Hiện, tổng tài sản mà Sequoia quản lý tại Mỹ là 53 tỷ USD, trong khi tại châu Âu là 56 tỷ USD và tại Ấn Độ và Đông Nam Á là 9 tỷ USD.

[Montana trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ 'cấm cửa' TikTok]

Kể từ khi gia nhập Trung Quốc vào năm 2005, Sequoia đã đóng vai trò nổi bật trong sự phát triển nhanh chóng và sinh lợi của những "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc.

Các khoản đầu tư đáng chú ý của quỹ này bao gồm ByteDance, chủ sở hữu của ứng dụng video TikTok; công ty công nghệ tài chính Ant Group; và nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein.

Công ty đã đầu tư vào hơn 1.000 công ty ở Trung Quốc, bao gồm cả các lĩnh vực công nghệ đang phát triển như xe điện và công nghệ sinh học.

Tuy nhiên, ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm đã trở nên thận trọng hơn khi rót tiền vào Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Theo công ty nghiên cứu PitchBook, giao dịch của các thương vụ mua bán cổ phần công ty Trung Quốc từ nhà đầu tư nước ngoài đã giảm một nửa vào năm ngoái, xuống còn khoảng 69 tỷ USD, mức thấp nhất trong sáu năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục