SEA Games 31 và ASEAN Para Game 11: Đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu

Ngành thể dục thể thao đang gấp rút bàn thảo, điều chỉnh kế hoạch, đề xuất phương án tối ưu nhất trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính phủ xem xét về SEA Games 31 và ASEAN Para Game 11.
Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Theo kế hoạch, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) sẽ diễn ra cuối năm 2021.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các nước và cả Việt Nam.

Trước tình hình đó, ngành thể dục thể thao đang gấp rút bàn thảo, điều chỉnh kế hoạch, đề xuất phương án tối ưu nhất trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính phủ xem xét.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đức Phấn để thông tin rõ hơn về phương án điều chỉnh kế hoạch tổ chức hai Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong bối dịch bệnh như hiện nay. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin ông cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 tính tới thời điểm hiện tại?

Ông Trần Đức Phấn: Với tư cách là nước chủ nhà, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành thể dục thể thao đã luôn bám sát chủ trương của các cấp có thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.

Ngay từ giữa năm 2020, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống cơ sở vật chất ở tất cả các địa điểm thi đấu; làm việc với các Ban tổ chức ở các địa phương để từ đó bàn thảo, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, đảm bảo điều kiện tốt nhất để đón các đoàn sang tham dự SEA Games 31.

[Xây dựng phương án tổ chức SEA Games 31 phù hợp với tình hình thực tế]

Tính tới trước ngày 27/4, ngành thể dục thể thao đã phối hợp cùng các địa phương triển khai mọi công tác chuẩn bị theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, phát hiện nhiều ca bệnh  mới ở các địa phương, trong đó có một số tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức các môn thi đấu, nên chúng tôi phải tạm dừng.

Chỉ duy nhất còn bộ phận tham mưu, các tiểu ban là vẫn tiến hành các nội dung chuẩn bị tổ chức hai Đại hội, tuy nhiên có điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Ngành thể dục thể thao cũng xác định việc tổ chức thành công hai Đại hội là nhiệm vụ trọng tâm nhất trong năm 2021.

- Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp thì việc chúng ta tổ chức SEA Games và ASEAN Para Games sẽ gặp phải những khó khăn gì  thưa ông? 

Ông Trần Đức Phấn: Khó khăn nhất hiện nay là tất cả các quốc gia trong khu vực đều có dịch COVID-19 và nhiều nước còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn chúng ta. Vì vậy, việc di chuyển giữa các nước sẽ liên quan đến nhiều vấn đề như xuất-nhập cảnh, phương án phòng, chống dịch sẽ rất phức tạp.

Đội tuyển điền kinh quốc gia tập luyện chuẩn bị cho các giải đấu lớn trong năm nay. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Bên cạnh đó, địa điểm tổ chức SEA Games 31 lại diễn ra ở 12 tỉnh, thành phố, chúng ta cũng không có làng vận động viên nên thành viên các nước tham dự Đại hội sẽ lưu trú trên 40 khách sạn và di chuyển liên tục đến các địa điểm thi đấu. Điều này thực sự sẽ gây áp lực lớn cho nước chủ nhà trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các khách sạn cũng như trên các phương tiện giao thông.

Ngoài ra, theo ước tính ban đầu, nếu trong bối cảnh bình thường không có dịch bệnh, hai Đại hội sẽ đón khoảng 25.000 người là các vận động viên, huấn luyện viên, quan chức, trọng tài, phóng viên, bộ phận tham gia phục vụ,...

Chưa kể người hâm mộ của các quốc gia, khán giả Việt Nam và khách du lịch. Với số lượng người tham dự cùng thời điểm lớn như vậy, việc đảm bảo an toàn cho các thành viên tham dự sẽ là thách thức lớn cho Ban tổ chức. 

Việc tổ chức vào thời điểm dịch bệnh cũng sẽ phát sinh rất nhiều chi phí cho việc cách ly, xét nghiệm, phòng, chống dịch, điều trị khi có các trường hợp mắc bệnh...

Do đó ưu tiên hàng đầu của ngành thể dục thể thao là đảm bảo an toàn cho các vận động viên, thành viên các đoàn tham dự và người dân. Chúng tôi đang cân nhắc, bàn bạc nhiều kế hoạch, để lựa chọn ra phương án tối ưu nhất.

- Vậy ngành thể dục thể thao đã chọn phương án nào để đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra, thưa ông?

Ông Trần Đức Phấn: Trong những ngày qua, ngành thể dục thể thao đã triển khai nhiều buổi họp với các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực thể dục thể thao, tham khảo ý kiến của các nước trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề này.

Cùng với đó, ngành cũng đã gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành, các địa phương đăng cai tổ chức về các phương án tổ chức SEA Games trong tình hình hiện nay.

Chúng tôi cũng đã gửi văn bản tới Uỷ ban Olympic các quốc gia trong khu vực để trưng cầu ý kiến về các phương án tổ chức SEA Games phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thì việc tổ chức thành công được hai Đại hội là rất khó, vì vậy, nên ngành cũng đề xuất phương án làm sao để tổ chức hai Đại hội một cách đảm bảo an toàn nhất. Đây là vấn đề cần có thời gian để báo cáo lãnh đạo các cấp ở mỗi nước và Chính phủ nước ta về việc điều chỉnh kinh phí tập huấn tham gia Đại hội, chuẩn bị tổ chức Đại hội của chủ nhà Việt Nam. 

Việc lùi thời gian sang năm 2022 cũng cần được tính toán phù hợp, tốt nhất là trong sáu tháng đầu năm 2022 để Campuchia có thời gian tổ chức SEA Games 32 vào năm 2023.

Căn cứ vào ý kiến từ các bộ, ngành cũng như các quốc gia trong khu vực, đồng thời nghiên cứu tình hình diễn biến dịch bệnh, ngành thể dục thể thao sẽ sớm báo cáo Chính phủ xem xét về phương án tổ chức hai Đại hội phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo ngành phải theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch, đánh giá một cách khoa học, Chính phủ cũng chỉ đạo phải xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương đăng cai để tham mưu, lựa chọn phương án tối ưu nhất.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục