SEA Games 29: Thành công nhưng chưa trọn vẹn với thể thao Việt Nam

SEA Games 29 là một kỳ đại hội khu vực thành công với Thể thao Việt Nam, khi chúng ta vừa hoàn thành chỉ tiêu huy chương, nhưng hành công này không phải là hoàn toàn trọn vẹn.
SEA Games 29: Thành công nhưng chưa trọn vẹn với thể thao Việt Nam ảnh 1Đội tuyển điền kinh nữ Việt Nam ăn mừng sau khi về đích với chiếc huy chương vàng nội dung chạy tiếp sức 4x100m. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

SEA Games 29 đã kết thúc với Đoàn thể thao Việt Nam theo cách không thể tuyệt vời hơn, khi chúng ta bảo toàn được vị trí thứ 3 chung cuộc ngay trước giờ diễn ra lễ bế mạc, do Singapore không thể tạo nên "cơn mưa Vàng" ở môn trượt băng nghệ thuật thế mạnh trong ngày thi đấu cuối cùng của Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Đoàn thể thao Việt Nam chính thức là chủ nhân vị trí thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc với 58 huy chương vàng, chỉ nhiều hơn 1 huy chương vàng so với Singapore, dù trong sáng 30/8, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn vẫn quả quyết rằng chúng ta không có nhiều cơ hội để giành được vị trí trong top 3, bởi theo tính toán của ông, muốn chắc chắn đứng thứ 3 chung cuộc thì chúng ta cần có 65 huy chương vàng.

Phải nói rằng đây là một kỳ Đại hội mà Thể thao Việt Nam rất có duyên với những lần cuối cùng, khi chiếc huy chương vàng cuối cùng của đoàn Thể thao Việt Nam do vận động viên Nguyễn Văn Trí (pencak silat, hạng cân 90kg) giành được chiều 29/8 đã giúp chúng ta tạo ra sự khác biệt với Singapore, bởi nếu trong trường hợp SEA Games 29 kết thúc mà Thể thao Việt Nam chỉ có 57 huy chương vàng như Singapore, chúng ta chắc chắn sẽ rơi xuống vị trí thứ 4, vì Việt Nam chỉ hơn Singapore về số huy chương vàng, còn kém Singapore ở tổng số huy chương (Việt Nam: 58 huy chương vàng, 50 huy chương bạc, 60 huy chương đồng, tổng số 168 huy chương; Singapore: 57 huy chương vàng, 58 huy chương bạc, 73 huy chương đồng, tổng số 188 huy chương).

[Những gương mặt “vàng” của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29]

Theo một thống kê chưa đầy đủ do Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cung cấp, trong số 58 huy chương vàng mà các vận động viên Việt Nam giành được tại SEA Games 29, có tới hơn 92% huy chương vàng thuộc về các môn trong hệ thống thi đấu của Olympic, trong khi con số tương tự tại SEA Games 28 năm 2015 chỉ là 87%. Điều đó cho thấy sự chuyển dịch của thể thao Việt Nam theo hướng lấy các môn thể thao Olympic làm trọng điểm vẫn đang đi đúng lộ trình, và đây là tín hiệu tích cực để ngành thể thao tiếp tục đầu tư hơn nữa cho những môn thể thao cơ bản, có thể dễ dàng định lượng như bơi hay điền kinh.

Trong bức tranh chung của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, điền kinh là gam màu tươi sáng nhất. Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn tiết lộ trưởng đoàn điền kinh Thái Lan đã 2 lần bày tỏ sự thán phục với sự lớn mạnh của điền kinh Việt Nam thông qua bảng thành tích ở SEA Games 29 và thừa nhận “điền kinh Việt Nam đã vẽ lại bản đồ thể thao khu vực.”

Sự thừa nhận của lãnh đạo bộ môn điền kinh Thái Lan có giá trị rất lớn, bởi Thái Lan đã bá chủ điền kinh khu vực từ nhiều năm nay và có những nội dung mà trình độ của họ đã vươn lên tầm cỡ hàng đầu châu lục, như nội dung 4x100m tiếp sức nữ. Tuy nhiên, đây cũng chính là nội dung mà điền kinh Thái Lan đã thất bại trước Việt Nam ở SEA Games 29, khiến các cô gái Thái Lan ôm nhau khóc ngay trên đường chạy sân Bukit Jalil vì không thể tin nổi kết quả mà với họ là cực kỳ nghiệt ngã này. Với 17 huy chương vàng cùng vị trí số 1 toàn đoàn, đội tuyển điền kinh xứng đáng là đội tuyển xuất sắc nhất của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29.

Một môn thể thao cơ bản khác thuộc hệ thống Olympic cũng đã lập công lớn khi góp tới 10 huy chương vàng vào thành tích chung của cả đoàn tại SEA Games 29, đó là bơi. Trong bảng vàng thành tích của môn bơi, ngoài Ánh Viên vẫn duy trì được danh hiệu "Cô gái Vàng" của thể thao Việt Nam với 8 huy chương vàng cá nhân giống như SEA Games 29, bơi Việt Nam còn "trình làng" thêm 2 tài năng trẻ rất xuất sắc là Kim Sơn (15 tuổi, nội dung 400m hỗn hợp) và Huy Hoàng (17 tuổi, nội dung 1.500m). Cả 2 kình ngư này đều chưa tròn 20 tuổi nhưng họ đã đánh bại nhiều đối thủ sừng sỏ để giành huy chương vàng, đồng thời thiết lập luôn kỷ lục mới của SEA Games, vốn là điều mà người ta ít thấy ở những vận động viên tuổi teen. 

Thế nhưng, không phải môn thể thao Olympic nào cũng mang lại niềm vui cho Thể thao Việt Nam ở SEA Games 29, mà cụ thể ở đây là trường hợp của Hoàng Xuân Vinh, khi nhà đương kim vô địch Olympic đã gây thất vọng rất lớn ở chung kết 50m súng ngắn nam. Chúng tôi không thể quên được màn giới thiệu hoành tráng của MC nước chủ nhà dành cho Hoàng Xuân Vinh trước khi diễn ra loạt bắn chung kết ở trường bắn Subang, khi phần giới thiệu thành tích của Hoàng Xuân Vinh dài gấp đôi, gấp ba các vận động viên khác.

Thậm chí, các vận động viên Việt Nam cổ vũ cho Hoàng Xuân Vinh ở trường bắn Subang còn được “huấn luyện” để chuẩn bị sẵn cho tiết mục ăn mừng chiến thắng của xạ thủ này, nhưng rồi tất cả đã phải chưng hửng khi Hoàng Xuân Vinh trở thành người bị loại đầu tiên ở loạt bắn chung kết.

Thất bại gây sốc của Hoàng Xuân Vinh đã phủ bóng mây u ám lên cả đội tuyển bắn súng Việt Nam trong những ngày thi đấu tiếp theo, và cuối cùng bắn súng Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 1 huy chương vàng do công của Hà Minh Thành ở nội dung 25m súng ngắn bắn nhanh nam, sau một trận chung kết mà Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn phải thừa nhận rằng: “Tôi không chỉ đau tim bên trái mà còn đau cả tim bên phải.” 

Bắn súng không phải là môn thể thao Olympic duy nhất mà Thể thao Việt Nam không có được trọn vẹn niềm vui tại SEA Games 29, khi bắn cung rồi taekwondo cũng đều để lại nỗi buồn và cả sự tiếc nuối.

Bắn cung với 2 cung thủ hàng đầu Đông Nam Á là Nguyễn Tiến Cương (cung 3 dây) và Lộc Thị Đào (cung 1 dây) được kỳ vọng sẽ là vận động viên mang về chiếc huy chương vàng đầu tiên cho đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, nhưng cuối cùng cả Nguyễn Tiến Cương cũng như Lộc Thị Đào đều thất bại, và bắn cung Việt Nam chỉ có duy nhất 1 huy chương vàng do công của Chu Đức Anh, vốn là gương mặt hầu như không nhận được "kỳ vọng Vàng" trước ngày lên đường. 

Taekwondo cũng là một tiếng thở dài khác ở SEA Games 29, khi môn thể thao từng là thế mạnh của Thể thao Việt Nam, với chiếc huy chương Olympic đầu tiên của võ sỹ Trần Hiếu Ngân ở Sydney 2000, nay đã lui xuống vị trí "chiếu dưới" ở sân chơi Đông Nam Á.

Với chỉ 2 huy chương vàng, gồm 1 huy chương vàng biểu diễn đồng đội nữ và 1 huy chương vàng đối kháng cá nhân nữ hạng 62kg của Hà Thị Nguyên, không thể nói rằng taekwondo Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ tại SEA Games 29, bởi lãnh đạo đoàn Thể thao Việt Nam đã hy vọng nhiều hơn thế ở taekwondo.

Dù sao, xét về tổng thể, SEA Games 29 vẫn là một kỳ đại hội khu vực thành công với Thể thao Việt Nam, khi chúng ta vừa hoàn thành chỉ tiêu huy chương đề ra, đồng thời vẫn bảo đảm được vị trí trong top 3 chung cuộc, nhưng thành công này không phải là hoàn toàn trọn vẹn, bởi trong khi một số môn thể thao nòng cốt của chúng ta có sự phát triển vượt bậc thì một số nội dung khác từng là thế mạnh lại sa sút hoặc thi đấu không đúng như kỳ vọng.

Vì thế, để tránh khỏi nỗi ám ảnh bị "văng" khỏi top 3 trên bảng xếp hạng chung cuộc ở các kỳ đại hội khu vực, cũng như để khẳng định chỗ đứng tại các sân chơi có quy mô lớn hơn như Asian Games hay Olympic, Thể thao Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm, mà nói như lời trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn là: “Chúng tôi đã phải bắt tay vào chuẩn bị cho Asian Games 2018, SEA Games 2019 và Olympic 2020 ngay khi SEA Games 2017 còn chưa kết thúc”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục