Hiện nay, giới trẻ rất ưa chuộng xe đạp điện do không cần bằng lái trong khi tốc độ chạy gần bằng xe máy, kẹp ba vô tư, lạng lách trên đường mà không bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt đã tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Nhằm chấn chỉnh vấn nạn này, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an thành phố Hà Nội sẽ ra quân xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm điều khiển, ngồi trên xe đạp điện khi tham gia giao thông. Sành điệu là đi xe đạp điện Tại Hà Nội, ở các trường trung học phổ thông, nhiều người dễ dàng bắt gặp hình ảnh những học sinh trong trang phục áo trắng ngồi điều khiển những chiếc xe đạp điện phóng vù vù trên đường. Hầu hết, người điều khiển loại phương tiện này không đội mũ bảo hiểm, thậm chí, nhiều xe còn chở đến ba người lượn lách, đánh võng trên đường. Đỗ xịch chiếc xe đạp điện vào quán nước ngay gần khu vực cổng trường Trung học phổ thông Trần Phú, em Trần Trọng Bắc cùng nhóm bạn hí hửng khoe chiến tích thắng cuộc đua xe trên đoạn đường từ nhà tới trường. Chỉ tay vào chiếc “ngựa sắt” có cấu tạo giống hệt xe máy với đầy đủ chi tiết tay ga, còi, đèn xe, Bắc bảo, sáng nay, đường vắng, cả nhóm dàn hàng ba tập trung đua xe đến trường với phần thưởng dành cho người thắng cuộc là suất ăn uống sáng miễn phí. Theo Bắc, trước đây, gia đình vẫn thường xuyên giao xe máy cho em điều khiển để đỡ vất vả trong việc đi lại. Tuy nhiên, mỗi lần trên đường, Bắc đều nơm nớp lo sợ cảnh sát giao thông xử phạt các lỗi vi phạm về bằng lái. Vì thế, để không bị xử phạt, chỉ với vài triệu đồng, các phụ huynh đều bỏ tiền mua cho con em mình xe đạp điện mà tốc độ không thua kém xe máy. “Xe đạp điện đang là ‘mốt’ của giới trẻ bởi không cần bằng lái, nhiên liệu lại rẻ hơn giá xăng, đi lại nhanh chóng thuận tiện. Thậm chí, lứa tuổi 9X quan niệm, đi xe này mới là ‘sành điệu’ tới trường,” Bắc thành thật. Hiện nay, tại một số tuyến phố như Nguyễn Lương Bằng, Kim Mã, Bà Triệu… là nơi tập trung các cửa hàng xe đạp điện. Các sản phẩm này có giá dao động ở mức từ 3 đến 10 triệu đồng tùy thuộc vào loại trữ năng lượng điện chạy xe là pin hay ắcquy với nhiều mẫu mã, chất lượng khác nhau. Bên cạnh đó, loại phương tiện này có cấu tạo nhỏ gọn, bắt mắt bởi chủng loại đa dạng màu sắc, thậm chí “nhái” các thương hiệu chính hãng Honda, Yamaha, Bridgestonexe kiểu dáng xe tay ga đắt tiền. Thậm chí, sau những vụ cháy xe máy trong thời gian qua, nhiều người đã chuyển hướng sang dùng xe đạp điện và đang hình thành một trào lưu trong bộ phận trẻ, người cao tuổi, giới văn phòng để thay thế cho xe đạp truyền thống và xe máy. Theo chị Ngân, chủ cửa hàng xe đạp điện phố Nguyễn Lương Bằng, xe đạp điện hiện bán khá chạy do phù hợp với túi tiền. Người tiêu dùng đa phần mua loại xe có gắn mác hàng chính hiệu nhập khẩu từ Đài Loan với mức giá trung bình khoảng 7 triệu đồng/chiếc. “Có ngày, cửa hàng tiêu thụ tới 10 chiếc bởi nhiều người muốn sở hữu loại ‘mốt’ xe này,” chị Ngân chia sẻ. Xử phạt lỗi vi phạm xe đạp điện Theo nhiều chuyên gia, hiện việc quản lý xe đạp điện, xe máy điện còn chưa thống nhất nên chưa có số liệu đánh giá cụ thể về chất lượng của loại xe này nên vẫn được bày bán tràn lan. Cá biệt, một số xe đạp điện sau khi bán ra thì chủ xe "độ" lại kết cấu xe gây mất an toàn giao thông. Để “siết” chặt thực trạng này, ngày hôm nay (7/3), Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội sẽ ra quân xử lý các trường hợp học sinh, sinh viên, người tham gia giao thông điều khiển xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong đó chú trọng đến “lỗi” điều khiển xe đạp điện. Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông đã thành lập các tổ tuần tra kiểm soát thuộc 14 đội Cảnh sát giao thông tăng cường tập trung xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn đối với những trường hợp: điều khiển xe đạp, xe máy đi hàng ba trở lên; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp điện, chở người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông. Cụ thể, thời gian thực hiện từ 10 giờ các ngày từ 7 – 9/3, lực lượng chức năng sẽ tập trung tuyên truyền trên các tuyến tuần tra kiểm soát, chủ yếu nhắc nhở và cảnh cáo. Từ 10 giờ đến 14 giờ các ngày 10 – 16/3, Cảnh sát giao thông tập trung xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy, xe đạp điện (kiên quyết lập biên bản những trường hợp vi phạm). Đại diện phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cũng thừa nhận, học sinh, người dân sử dụng loại phương tiện này được cơ quan chức năng khuyến khích vì góp phần đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, đối tượng điều khiển chủ yếu là học sinh với những lỗi vi phạm chủ yếu chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng trên đường nhận thức hạn chế, không có tiền nộp phạt. “Mỗi chiếc xe đạp điện có giá hàng chục triệu đồng nhưng trong trường hợp để xảy ra mất xe thì chủ xe cũng khó có thể tìm lại do xe không đăng ký biển kiểm soát,” đại diện Phòng Cảnh sát giao thông chỉ ra bất cập. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát giao thông cũng khuyến cáo, người sử dụng loại xe này cần nâng cao ý thức nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không nên coi xe đạp điện chỉ là… xe đạp. “Các gia đình trước khi mua xe cho con em trước hết cần phải trang bị đầy đủ những kiến thức liên quan và cách sử dụng xe hiệu quả và an toàn,” đại diện Phòng Cảnh sát giao thông bày tỏ quan điểm.
Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP tại điểm i, khoản 3, điều 9 quy định, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện) không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ. |
Việt Hùng (Vietnam+)