Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng công nghệ thu phí đường bộ qua vệ tinh. Tuy nhiên, để có thể triển khại tại Việt Nam, ngoài bài toán kỹ thuật, giá thành và chi phí vận hành cao cũng khiến nhiều người bày tỏ lo ngại sẽ khó khả thi.
Chưa quốc gia nào triển khai trên toàn bộ phương tiện
Trong buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam vào giữa tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu cơ quan này cần nghiên cứu các ưu nhược điểm của thu phí đường bộ qua vệ tinh để áp dụng vào Việt Nam, không chỉ phục vụ thu phí cao tốc mà cả thu phí nội đô.
Với khối lượng lớn đường cao tốc sẽ được xây dựng trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng việc áp dụng công nghệ thu phí hiện tại xây dựng hệ thống trạm thu phí không dừng sẽ tốn kém và khi không có barie thì giải pháp thu phí nội đô mới khả thi, tránh được ùn tắc giao thông.
Liên quan đến chỉ đạo này, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết hiện đang nghiên cứu thu phí bằng công nghệ vệ tinh và sẽ xây dựng đề án, đánh giá các ưu nhược điểm của công nghệ để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét.
Chỉ ra sự khác nhau giữa công nghệ thu phí đang áp dụng hiện nay và thu phí vệ tinh, lãnh đạo Cục Đường bộ thông tin, hiện dịch vụ thu phí tự động đường bộ ở Việt Nam đang áp dụng công nghệ RFID, sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Hệ thống RFID gồm thiết bị đầu đọc RFID Reader trên các cổng long môn tại trạm thu phí và thẻ định danh RFID gắn trên đèn hoặc kính phương tiện. Khi xe đi qua trạm, đầu đọc sẽ nhận biết xe thông qua thẻ định danh và trừ số tiền tương ứng.
Với công nghệ định vị phương tiện qua tín hiệu vệ tinh, mỗi xe sẽ phải gắn một thiết bị GPS để định vị nhận tín hiệu vệ tinh, tín hiệu được truyền về trung tâm dữ liệu, tương tự thiết bị giám sát hành trình (GPS) hiện nay gắn trên xe kinh doanh vận tải.
[Thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng là yêu cầu bắt buộc]
Đánh giá hệ thống định vị qua vệ tinh mang lại nhiều lợi ích ngoài thu phí giao thông, nắm bắt vị trí từng xe, lãnh đạo Cục Đường bộ nhìn nhận việc thu phí qua vệ tinh trên Quốc lộ hay cao tốc sẽ khả thi hơn việc thu phí trong nội đô.
Giải thích rõ hơn, theo vị này, khu vực trung tâm thành phố có nhiều nhà cao tầng, tín hiệu vệ tinh sẽ kém hơn, cũng chưa phân biệt được đường trên cao và dưới thấp. Đặc biệt, Việt Nam hiện chưa có vệ tinh riêng mà vẫn phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh nước ngoài.
“Hiện trên thế giới chưa có nước nào triển khai công nghệ thu phí qua vệ tinh trên toàn bộ phương tiện, mà chỉ mới triển khai trên xe kinh doanh vận tải, không triển khai trên xe cá nhân,” đại diện Cục Đường bộ tiết lộ.
Chi phí đầu tư và duy trì cao
Khác với dán thẻ thu phí điện tử không dừng, phương tiện sẽ phải lắp bộ thiết bị nhận tín hiệu định vị. Giá bộ thiết bị định vị dao động khoảng 1-1,5 triệu đồng và tương đương với bộ thiết bị giám sát hành trình hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu tốn kém hơn, vận hành phức tạp và chi phí duy trì cũng rất cao.
Theo lãnh đạo một công ty chuyên cung cấp thiết bị GPS, hiện nước ta có khoảng 5 triệu xe ôtô, việc áp dụng thu phí qua vệ tinh sẽ tiết kiệm được kinh phí đầu tư lớn ban đầu để xây dựng các hệ thống thu phí tự động.
Dù vậy, ông này cho rằng nếu áp dụng công nghệ thu phí qua vệ tinh sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ đủ lớn để tiếp nhận dữ liệu và từng chủ xe còn phải bỏ ra kinh phí duy trì truyền dữ liệu hàng tháng.
[Bộ GTVT: Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực tại các trạm thu phí]
Cụ thể, thiết bị giám sát hành trình gắn trên các xe kinh doanh vận tải sử dụng sóng 3G, 4G tại Việt Nam có mức giá duy trì, vận hành rất rẻ. Công nghệ GPS đang được áp dụng duy nhất cho xe kinh doanh vận tải để giám sát quản lý vận tải cho nhà nước quản lý doanh nghiệp, đơn vị vận tải quản lý nhân viên, phục vụ điều tra tai nạn, cảnh báo tốc độ...
Dẫn giải thực tế tàu cá truyền tín hiệu GPS qua vệ tinh do đi biển không có sóng 3G, 4G thì mức phí 2 giờ truyền tín hiệu một lần (tần suất 12 lần/ngày) trong một tháng khoảng 300.000 đồng. Nếu phương tiện ôtô sử dụng thiết bị GPS truyền vài giây/lần lên thiết bị vệ tinh thì mức phí rất cao.
“Có nhiều ưu và nhược điểm của công nghệ mới cần tính toán kỹ nếu áp dụng bởi hệ thống thu phí không dừng triển khai tại các trạm thu phí trên cả nước cũng đã tốn chi phí khá lớn,” lãnh đạo công ty chuyên cung cấp thiết bị GPS đưa ra chính kiến.
Để ứng dụng thành công công nghệ thu phí bằng vệ tinh vào thực tiễn đồi hỏi cần có sự nỗ lực, quyết tâm lớn và sự đồng thuận của xã hội, lãnh đạo Cục Đường bộ cho hay trước mắt có thể triển khai thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng trong thực tiễn và khi triển khai cũng cần có lộ trình./.