Sẽ xả trạm nếu không lắp xong trạm thu phí không dừng trước 30/6

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Nếu đến ngày 30/6, các trạm BOT không hoàn thành, chúng tôi sẽ dừng thu phí, tập trung làm, khi làm xong sẽ cho thu phí lại."
Sẽ xả trạm nếu không lắp xong trạm thu phí không dừng trước 30/6 ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực giao thông vận tải. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Sáng 9/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Nội dung chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tập trung vào các vấn đề: tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước; thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT...

Đảm bảo tiến độ lắp đặt

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cho rằng việc triển khai thực hiện thu phí không dừng bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, đến nay việc này chưa hoàn thành; thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022 gần như không thể đạt được.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân chính của việc chậm trễ này?

"Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, từ ngày 31/7/2022, nếu trạm thu phí nào không lắp đặt thì phải xả trạm. Theo Bộ trưởng, việc này có thực hiện được không, hay tiếp tục xin gia hạn," đại biểu chất vấn.

[Tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng vẫn quá chậm]

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thu phí không dừng là công nghệ mới, được ứng dụng để giúp việc đi lại của người dân thuận lợi và việc nộp thuế phí được công khai, minh bạch. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai ứng dụng công nghệ này từ năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, do thói quen của người dân, vận hành gặp một số sơ suất kỹ thuật.

Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), trong đó giao Chính phủ đến năm 2019 phải triển khai xong việc này.

Tuy nhiên, với số lượng 113 trạm BOT, quy mô khoảng 400 làn đường, Bộ đã rất nỗ lực không đáp ứng được theo đúng tiến độ Nghị quyết đề ra.

Đến năm 2019, cơ bản các dự án BOT đều có ít nhất 2 làn thu phí không dừng, nhưng chỉ có 28 trạm của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do vướng mắc về tái cơ cấu nên Tổng Công ty này không có kinh phí triển khai.

Chính phủ đã họp rất nhiều phiên, đến nay mới giải quyết xong về cơ chế. Cách đây 2 ngày, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã ký hợp đồng tín dụng với các cơ quan để triển khai vấn đề này.

Bộ trưởng Giao thông vận tải nêu rõ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/6, toàn bộ các trạm BOT (trừ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) phải hoàn thành lắp thiết bị thu phí không dừng đầy đủ các làn; mỗi trạm chỉ để lại 2 làn bên ngoài để xử lý trường hợp khẩn cấp.

Với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, do vừa tháo gỡ cơ chế nên Chính phủ chỉ đạo đến ngày 31/7/2022 sẽ hoàn thành toàn bộ. Theo khảo sát, tiến độ lần này đã đảm bảo.

"Chính phủ rất cương quyết. Nếu đến ngày 30/6, các trạm BOT (trừ các trạm thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) không hoàn thành, chúng tôi sẽ dừng thu phí, tập trung làm, khi làm xong sẽ cho thu phí lại," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, đến nay, Bộ đã thực hiện dán khoảng 3,2 triệu thẻ trên tổng số hơn 4 triệu ô tô, chiếm 69%.

Ngày 1/6/2022, Bộ đã thí điểm thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, việc thực hiện diễn ra khá tốt. Đây là tiền đề để triển khai thực hiện tốt trong giai đoạn tới.

Chưa phát hiện lợi ích nhóm

Tranh luận với Bộ trưởng về việc chậm lắp đặt thu phí không dừng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết: "Tôi từng chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này. Bộ trưởng khi đó hứa chắc như đinh đóng cột rằng, đến năm 2019 sẽ hoàn thành lắp đặt thu phí không dừng. Nhưng suốt thời gian qua, chúng ta làm nửa với, thiếu kiên quyết, chưa có hạn chót. Nhiều nơi làm nhưng chỉ được một, hai luồng trên rất nhiều luồng qua trạm thu phí."

Theo đại biểu, việc thu phí không dừng trên các tuyến đường BOT nhằm minh bạch hoạt động tài chính.

Sẽ xả trạm nếu không lắp xong trạm thu phí không dừng trước 30/6 ảnh 2Phương tiện lưu thông vào làn thu phí tự động không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

"Cử tri cho rằng việc chậm triển khai thu phí không dừng là do có sự gian lận, lợi ích nhóm. Thực sự có thật hay không, phải trả lời được câu hỏi này," đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm, đồng thời cho rằng cần rút kinh nghiệm để triển khai các dự án BOT trên toàn quốc thời gian tới.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến năm 2019, theo đề án Chính phủ giao, mỗi trạm BOT có ít nhất 2 làn thu phí tự động. Lý do là nếu dán thẻ không nhiều thì đi trên các làn thu phí tự động rất khó khăn. Đến nay, mới có 3,2 triệu ôtô dán thẻ thu phí không dừng. Đây mới là thời điểm chín muồi để sử dụng các làn thu phí tự động.

Đại biểu hoặc người dân có thể cảm nhận các trạm chưa có làn thu phí không dừng, "nhưng thực tế mỗi trạm có ít nhất 2 làn". Nếu dán thẻ chưa nhiều mà làm nhiều làn thu phí không dừng thì không sử dụng được.

Bộ trưởng giải thích, 28 trạm của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đến thời điểm này mới ký hợp đồng.

Thời gian qua, Chính phủ họp rất nhiều lần. Lý do Chính phủ quy định cuối tháng 7/2022 phải hoàn thành thu phí không dừng, vì cơ quan này đã cam kết với Chính phủ thời điểm đó là hoàn thành xong.

Hiện nay, đơn vị này đã nhập thiết bị, ký xong hợp đồng tín dụng, sẽ lắp sớm trong tháng Sáu, tháng Bảy. Chính phủ căn cứ vào cam kết của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, nếu không xong thì phải xả trạm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định việc lắp đặt thu phí không dừng liên quan đến người dân nên rất nhạy cảm; các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề này.

"Đến nay, chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan nhà nước cấu kết với nhà đầu tư. Nếu có vấn đề gì bên trong, nếu có vi phạm gì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) tranh luận, Bộ trưởng đã khẳng định các trạm BOT khi đã hoàn vốn thì sẽ dừng thu phí. Ngày 22/4/2020, Bộ trưởng đã trả lời bằng văn bản về nội dung kiến nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt - một trạm thu phí gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt không đúng.

Trong công văn trả lời, Bộ trưởng cho biết, dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn, nhưng đến giờ này, trạm thu phí vẫn hoạt động bình thường. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng bao giờ trạm thu phí bất cập này sẽ chính thức được dỡ bỏ?

Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài là dự án gây nhiều bức xúc ở Hà Nội. Bộ đã có những phương án kết thúc BOT này.

"Tuy nhiên, khi tôi trả lời cho đại biểu Hiếu là thời điểm doanh thu BOT đang tốt. Nhưng sau đó do dịch COVID-19 nên doanh thu sụt giảm," ông Nguyễn Văn Thể thông tin.

Các trạm BOT trước đây ký hợp đồng có điều chỉnh; nghĩa là khi doanh thu tăng thì nhiều dự án giảm 3-5 năm, còn những dự án khó khăn thì phải kéo dài thời gian để đảm bảo hài hòa. Các điều khoản hợp đồng đều nêu có khó khăn vướng mắc thì giám sát, phối hợp xử lý.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu và tiến hành rà soát lại để đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư với người dân.

Bộ trưởng khẳng định cơ quan nhà nước không có quyền lợi gì trong việc này nhưng phải giám sát để làm sao người dân thực hiện nghiêm và cũng giám sát nhà đầu tư thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết.

Mặt khác, hợp đồng cũng ký kết qua nhiều giai đoạn, tình hình có nhiều thay đổi, biến động. Do đó, Bộ sẽ rà soát, kiểm tra, nếu các hợp đồng đủ điều kiện dừng thì dừng ngay, không để lại trạm nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục