Sẽ tiếp tục có đợt tăng cước 3G trong thời gian tới?

Lãnh đạo Cục Viễn thông khẳng định, với giá cước như trước điều chỉnh từ 16/10/2013 thì việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng cước là việc cần làm. Nếu ít biến động lớn thì tương lai doanh nghiệp sẽ tiếp chỉnh điều chỉnh tăng cước 3G, đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành. Về vấn đề chất lượng dịch vụ 3G không đảm bảo, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết sẽ kiểm tra ngặt nghèo hơn và doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Doanh nghiệp ngoài việc công bố gói cước thì phải công bố công khai cam kết về chất lượng cho khách hàng.
Với mức tăng cước 3G từ ngày 16/10, các nhà mạng vẫn phải bán gói cước dưới giá thành nên nhiều khả năng sẽ có các đợt tăng cước 3G trong thời gian tới.

Chưa có chuẩn chất lượng

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Vì sao tăng cước 3G?” do Báo Bưu điện Việt Nam tổ chức sáng nay (17/10) tại Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều câu hỏi được độc giả đặt ra xoay quanh vấn đề chất lượng mạng 3G ở Việt Nam khá kém.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, hiện nay tiêu chuẩn chất lượng về di động nói chung chủ yếu nằm ở chất lượng thoại. Còn chất lượng của dịch vụ Internet thì có quy định riêng, chủ yếu áp dụng cho mạng cố định ADSL.

Về phần cam kết của doanh nghiệp với dịch vụ data, thì hiện cơ quan quản lý kiểm tra theo cam kết của doanh nghiệp về chất lượng trong quá trình được cấp phép. Ví dụ doanh nghiệp cam kết có bao nhiêu trạm thu phát sóng (BTS) thì sẽ kiểm tra số lượng BTS như vậy.

Theo ông Trung: “Để đánh giá trên quan điểm của khách hàng, chúng tôi đang hoàn thiện tiêu chuẩn cho dịch vụ data trên di động. Khi đấy chúng tôi sẽ đánh giá theo chất lượng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Đến thời điểm này, hàng năm chúng tôi vẫn kiểm tra chất lượng dịch vụ nhưng chủ yếu theo cam kết của doanh nghiệp chứ chưa có tiêu chuẩn cụ thể.”

[Tăng cước 3G: Khi chất lượng đang là nỗi thất vọng]

Cũng theo lãnh đạo Cục Viễn thông từ giờ đến cuối năm 2013, khi có tiêu chuẩn, cơ quan quản lý sẽ khẩn trương tiến hành đo kiểm chất lượng dịch vụ data. Sau đó, sẽ công bố công khai toàn bộ kết quả về chất lượng dịch vụ viễn thông nói chung, trong đó có chỉ tiêu mà doanh nghiệp cam kết đồng thời với đợt điều chỉnh giá cước lần này.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra ngặt nghèo hơn và doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Đề nghị doanh nghiệp ngoài việc công bố gói cước thì phải công bố công khai cam kết về chất lượng cho khách hàng biết,” ông Trung nói.

Tăng giá 3G để nâng cao mạng lưới

Về vấn đề tăng giá thành và chất lượng mạng lưới, ông Hồ Đức Thắng,  Phó Giám đốc Công ty VinaPhone thì cho hay, các nhà mạng khi được cấp phép 3G có cam kết xây dựng dịch vụ theo lộ trình. Hàng năm Bộ Thông tin và Truyền thông có đợt kiểm tra, đo kiểm tại khu vực Bộ chỉ định và VinaPhone đều đảm bảo chất lượng cung cấp, thậm chí còn cao hơn chất lượng của Bộ quy định.

Về việc chất lượng chưa đạt như kỳ vọng, ông Thắng cho rằng, khi xây dựng mạng thì phải theo lộ trình chứ trong một thời điểm không thể một lúc có thể xây dựng mạng hoàn chỉnh ngay. Nhà mạng vừa xây dựng vừa tìm hiểu kỹ thuật để tối ưu hóa mạng lưới; điều chỉnh trạm phát sóng để phù hợp nhu cầu người dân. Trong lúc điều chỉnh nâng cấp mạng lưới như vậy cũng có nơi, thời điểm chất lượng không đảm bảo yêu cầu khách hàng, các nhà mạng phải cố gắng.

“Tuy nhiên, nếu chúng tôi đầu tư mạng không có hiệu quả thì khó có điều kiện nâng cao chất lượng lưới, tái đầu tư mạng lưới. Vừa rồi VinaPhone xin điều chỉnh tăng giá cước theo gói cũng là để nâng cao chất lượng mạng lưới, đáp ứng nhu cầu của độc giả,” ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc MobiFone thì cho hay, so với cam kết ban đầu khi xin giấy phép, MobiFone đã tăng số trạm phát sóng lên 4, 5 lần.

Năm 2013 MobiFone tăng thêm 3.000 BTS 3G và đến 2014 dự kiến sẽ là 4.000 trạm BTS 3G. Về chất lượng, MobiFone liên tục đo kiểm để tối ưu hóa mạng lưới. Sắp tới MobiFone dự kiến sẽ nâng cấp tất cả các trạm lên tốc độ 21Mbps, cao hơn rất nhiều so với tốc độ cam kết trước đây trong giấy phép (7,2Mbps)...

Lãnh đạo của MobiFone cũng cho rằng, khi nhà mạng điều chỉnh cước đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội để tái đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Sẽ có những đợt tăng giá 3G tiếp theo

Tính toán của các nhà mạng cho thấy, đợt tăng cước 3G lần này vẫn chưa đưa giá cước 3G tiệm cận với giá thành.

Ông Trung cho hay, hiện 80% giá thành tính vào cơ sở hạ tầng. Nhà mạng không tự sản xuất được thiết bị mà nhập khẩu. Vì thế về nguyên tắc giá thành phải tương đương với các nước trong khu vực.

Theo tính toán của Cục Viễn thông, sau khi điều chỉnh, giá cước 3G tại Việt Nam chỉ bằng 39,6% so với khu vực ASEAN.

[Nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G từ ngày 16/10]

Ông Nguyễn Đình Chiến đưa ra ví dụ rằng năm 2011 MobiFone cung cấp gói cước không giới hạn MIU với giá 60.000 đồng/500Mb. Sau 2 năm, giá cước gói MIU là 70.000 đồng/600Mb. Nếu tính về đơn giá trong gói, như vậy còn rẻ hơn thời điểm năm 2011. Trong khi đó, từ 2011 đến nay, các mặt hàng như xăng, điện đều tăng giá.

Ngoài việc 80% chi phí đầu tư 3G là thiết bị nhập khẩu, 20% chi phí còn lại nhà mạng phải chịu tăng do chi phí điện, nước, mặt bằng. Tuy nhiên, việc tăng cước phải có lộ trình.

Viện dẫn Luật Viễn thông (Khoản 2, Điều 55): “Giá cước viễn thông được xác định dựa trên cơ sở các căn cứ sau đây: Trên cơ sở giá thành, quan hệ cung - cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới,” ông Trung cho hay để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh cần phải tách bạch trong kinh doanh tránh bù chéo giữa các dịch vụ.

Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng khẳng định, với giá cước như trước điều chỉnh từ 16/10/2013 thì việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng cước là việc cần làm. Ngoài ra, nếu thị trường không có biến động lớn thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ tiếp chỉnh điều chỉnh tăng cước như lộ trình đã đăng ký, đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành để thị trường phát triển bền vững, tránh đổ vỡ./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục