Sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép của các hộ kinh doanh càphê đường tàu

Muộn nhất trong 3 ngày (từ ngày 15-17/9), quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tiến hành thu hồi toàn bộ giấy phép của tất cả các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt.
Phố càphê đường tàu là điểm thu hút du khách nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sất. (Ảnh: Quỳnh Chi/TTXVN)

Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) vừa đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) và nhiều phường liên quan phối hợp xử lý tình trạng bán hàng, quay phim, chụp ảnh trên tuyến đường sắt chạy qua khu vực này.

Về vấn đề này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm khẳng định 100% các hộ kinh doanh tại đây vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Vì vậy, muộn nhất trong 3 ngày (từ ngày 15-17/9), quận Hoàn Kiếm tiến hành thu hồi toàn bộ giấy phép của tất cả các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt (các hộ kinh doanh này có hộ khẩu tại khu vực chắn 5 Trần Phú nhưng kinh doanh ở một vị trí khác).

Không đánh đổi an toàn của người dân lấy lợi ích kinh tế

Phố càphê đường tàu chủ yếu nằm dọc theo ba phường: Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) thu hút rất đông du khách đến vui chơi, quay phim, chụp ảnh. Riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có trên 30 cửa hàng kinh doanh càphê, giải khát.

Trước khi dịch COVOD-19 diễn ra, vào năm 2018-2019, mô hình càphê đường tàu xuất hiện phục vụ nhu cầu của du khách muốn check in khi đi du lịch.

[Đề nghị xử lý vi phạm quay phim, chụp ảnh trên ‘phố càphê đường tàu"]

Không chỉ các bạn trẻ Hà Nội mà rất đông du khách các nơi tìm đến càphê đường tàu khi về tham quan Thủ đô, đặc biệt có rất nhiều khách nước ngoài. Chính lẽ đó đã dấy lên những lo ngại về nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên đặt ra vấn đề vi phạm hành lang an toàn đường sắt tại phố càphê đường tàu, trước đó, đã nhiều lần các cơ quan quản lý đường sắt và chính quyền địa phương vào cuộc xử lý.

Trước khi xảy ra dịch COVID-19, quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận thông tin, có nhiều giải pháp, từ tuyên truyền vận động đến xử lý các hộ kinh doanh ở đây, kể cả với khách vi phạm an toàn hành lang đường sắt nên hiện tượng này đã giảm đi rất nhiều.

Sau dịch bệnh, khi khách du lịch phục hồi trở lại thì dịch vụ này cũng tự phát theo.

Theo Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, việc tồn tại các hộ dân trong khu vực này là do lịch sử để lại. Các hộ dân ở đây đều sinh sống từ những năm 1990, trước khi Luật An toàn đường sắt có hiệu lực.

Vì vậy, việc giải tỏa các hộ dân ở đây cần có thời gian, kinh phí và chủ trương lớn từ thành phố đến Trung ương mới có thể thực hiện được.

Việc kinh doanh tại đây có phát sinh dịch vụ cà phê giải khát, trở thành điểm check-in cho du khách, quận Hoàn Kiếm khẳng định đó là vi phạm an toàn hành lang đường sắt cần phải giải quyết triệt để.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, quận Hoàn Kiếm nhận thức rất rõ việc giải quyết trật tự đô thị và an toàn giao thông đường sắt khu vực phố đường tàu là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, của quận Hoàn Kiếm và các phường liên quan.

100% hộ dân đang kinh doanh càphê khu vực đường tàu vi phạm hành lang an toàn đường sắt. (Ảnh: Văn Cảnh/TTXVN)

Trước khi cơ quan quản lý đường sắt và Ủy ban Nhân dân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo, quận đã triển khai nhiều giải pháp xử lý, đặc biệt đã tổ chức rào chắn để ngăn du khách vào check in, tránh gây mất an toàn đường sắt.

Quận Hoàn Kiếm thu ngân sách qua du lịch nhưng không đánh đổi với sự an toàn của người dân lấy bất kỳ lợi ích kinh tế nào, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm khẳng định.

"Mở lối" cho các hộ kinh doanh càphê đường tàu

Trước nhiều ý kiến cho rằng trong khi Hà Nội đang nỗ lực thu hút khách du lịch đến Thủ đô thì việc tạo ra những điểm đến đặc sắc, được du khách hưởng ứng cần được duy trì và quản lý tốt. Phố càphê đường tàu có tên ở nhiều trang tin du lịch thế giới, được khách nước ngoài tìm đến rất đông. Tuy vậy, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm khẳng định đặt vấn đề an toàn lên trên hết.

"Chúng tôi trân trọng, ghi nhận những ý kiến mang tính xây dựng giúp quận Hoàn Kiếm thu hút khách du lịch nhiều hơn và đây là một trong những chỉ tiêu Hoàn Kiếm hết sức quan tâm. Tuy vậy, về xử lý vi phạm thì quan điểm của quận là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. 100% hộ dân đang kinh doanh khu vực đường tàu là vi phạm an toàn đường sắt nên thời gian tới chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh đã cấp và đình chỉ kinh doanh. Chúng tôi sẽ thu hồi trong 3 ngày (từ ngày 15-17/9) toàn bộ giấy phép đối với tất cả các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân khẳng định.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tổ chức rào chắn, tuyên truyền vận động dưới nhiều hình thức để cho người dân, đặc biệt là du khách không đến check-in gây mất an toàn giao thông, mất trật tự ở khu vực này.

Quận Hoàn Kiếm cũng đang xây dựng đề án phát triển du lịch, thương mại gắn với tuyến đường sắt, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Đó là đề án phục hồi, khai thác 131 vòm cầu liên quan đến tuyến đường sắt.

Quận cũng có đề án xuất phát từ nhu cầu, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của dân và du khách.

Trên cơ sở đó, quận phối phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội và đơn vị quản lý đường sắt xây dựng đề án theo khung giờ, khoảng thời gian tàu chạy để có phương án phù hợp nhất./.

Vài năm gần đây, có một điểm đến khá thú vị được nhiều du khách 'mách nhau' tìm đến khi du lịch thủ đô Hà Nội, nơi có tuyến đường sắt len lỏi qua khu phố cổ và được gọi bằng cái tên giản dị 'phố đường tàu.' (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
'Phố đường tàu' nằm dọc dọc theo phố Phùng Hưng lên tới cầu Long Biên với những ngôi nhà cũ kỹ nhưng cũng một vẻ đẹp rất riêng của Thủ đô. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều khách du lịch tự mách nhau đến Hà Nội nhất định phải ghé qua đây. Họ ngồi nhâm nhi ly càphê hay lai rai vài chai bia và trông ngóng từng chuyến tàu chạy qua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tháng 10/2019, các quán cà phê tại đây đã phải đóng cửa để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trải qua hơn hai năm đóng cửa vì dịch cùng lệnh cấm vi phạm hành lang an toàn đường sắt, 'phố đường tàu' bất ngờ đón khách du lịch trở lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hàng quán muốn kinh doanh phải tuân thủ quy định chỉ hoạt động trong nhà, không được lấn chiếm hành lang đường sắt. Thời điểm mở cửa du lịch trở lại, lượng du khách đến với phố đường tàu này ngày một đông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dãy phố dài chừng 2 cây số này được Tổng cục Đường sắt xây dựng từ năm 1956, bao gồm nhiều dãy nhà cấp bốn trải dài từ đường Lê Duẩn, Trần Phú, đến Cửa Đông, Phùng Hưng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khi tàu chuẩn bị tới, nhân viên các quán hàng quán tự báo động để khách chú ý đứng gọn ra khỏi đường ray đảm bảo an toàn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tuy nhiên, do tàu chạy qua ở khoảng cách quá gần nên vẫn rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khi tàu khi qua, du khách có thể thoải mái tạo dáng chụp hình lưu niệm, trải nghiệm cuộc sống bình dị với người dân tại tuyến phố này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nơi đây cũng là điểm thu hút nhiều cặp đôi để chụp hình, tất cả đã tạo nên bức tranh rất sống động và đầy màu sắc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Giờ đây, con phố đặc biệt của Thủ đô đã dần hồi sinh nhưng chỉ có những hàng, quán bán trong nhà mới được phép hoạt động. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Du khách đứng néo vào hai bên đường, lấy điện thoại để ghi lại khoảnh khắc khi tàu lướt nhanh qua các quán càphê. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phố đường tàu có hàng chục quán xá lớn nhỏ. Lượng du khách đổ tới đây ngày một đông để trải nghiệm cảm giác mạo hiểm có một không hai này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều vị khách ngồi hàng giờ đồng hồ để trải nghiệm sự chật hẹp, lộn xộn nhưng có sức hút khó diễn tả của con phố độc đáo này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phố đường tàu cũng trở nên lung linh hơn khi vào chiều tối, đồng loạt quán xá lên đèn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Du khách cũng đổ về đây đông nhất vào cuối tuần vì trong những ngày này tàu đi lại liên tục. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phố đường tàu từng trở nên nổi tiếng sau khi xuất hiện trên báo quốc tế. Kể từ đó, nơi đây có rất đông khách du lịch nước ngoài tới tham quan, chụp ảnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mọi hoạt động diễn ra tại khu phố đường tàu này trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn trong những ngày cuối tuần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dọc hai bên đường tàu, xen lẫn với hàng quán đông đúc là nhà của người dân. Hàng ngày, cuộc sống sinh hoạt của họ vẫn diễn ra một cách bình thường, thản nhiên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục