Sẽ thêm “dây buộc” cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phần mềm?

Dự thảo quy định thí điểm quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm phần mềm, dịch vụ phần mềm có nhiều điểm khá bất cập, làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp...
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Theo các chuyên gia, dự thảo Quyết định quy định thí điểm quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm phần mềm, dịch vụ phần mềm có nhiều điểm khá bất cập, làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp, gây khó khăn cho các start-up công nghệ…

Thêm quy định…

Theo dự thảo nói trên, để xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm phần mềm qua hải quan, người nhập khẩu phần mềm thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo quy định.

Đối với nhập khẩu qua hải quan, người nhập khẩu phải phải bổ sung hồ sơ hải quan như: tờ khai bổ sung thông tin về sản phẩm phần mềm theo mẫu (của Bộ Thông tin và Truyền thông); hóa đơn thương mại trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán có thông tin về sản phẩm nhập khẩu; giấy phép nhập khẩu đối với sản phẩm phần mềm thuộc danh mục chi tiết sản phẩm an toàn thông tin mạng nhập khẩu theo giấy phép quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (nếu có); giấy phép sử dụng của công ty sản xuất.

[Yêu cầu rà soát lại hơn 5.000 thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp]

Với xuất khẩu, hồ sơ hải quan bổ sung đối với phần mềm xuất khẩu bao gồm tờ khai bổ sung thông tin sản phẩm theo mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông; chứng nhận bản quyền của công ty sản xuất phần mềm (1 bản có công chứng).

Ngoài ra, khi xuất-nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phần mềm qua mạng, người xuất-nhập khẩu phải gửi hồ sơ đăng ký thông tin sản phẩm, dịch vụ phần mềm qua đường bưu điện về Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc đăng ký thông tin sản phẩm phần mềm, dịch vụ phần mềm xuất khẩu trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông…

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, thời hạn tối đa 3 ngày làm việc (kể từ ngày tiếp nhận), Bộ này sẽ phải thông báo cho người xuất khẩu phần mềm hoàn chỉnh hồ sơ.

Quy định cũng nêu rõ, trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hoàn chỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản xác nhận thông tin đăng ký hoạt động xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ phần mềm cho người xuất khẩu theo mẫu…

…“buộc” doanh nghiệp

Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho hay có “cảm giác khó tả” khi đọc dự thảo nói trên.

Người đứng đầu doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam với doanh thu lên hơn 230 triệu USD của năm 2016 cho hay, đơn cử như FPT Software có khoảng 400 khách hàng, mỗi năm làm trên 3.000 dự án, mỗi dự án xuất hóa đơn nhiều lần.

Và, theo ông Tiến, nếu quy định trên được ban hành, doanh nghiệp này sẽ phải tuyển thêm không dưới 10 người chỉ để ngồi khai giấy tờ theo quy định. Bên cạnh đó, có rất nhiều thông tin mà theo hợp đồng với đối tác, FPT Software sẽ không tiết lộ ra ngoài. Bởi vậy, việc này sẽ gây khó khăn không hề nhỏ cho hoạt động của doanh nghiệp…

[Doanh nghiệp ngày càng lo việc phải trả “chi phí không chính thức”]

​Hiện nay, phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhiều bạn trẻ, nhóm lập trình đã phát triển các sản phẩm để đưa lên các ứng dụng như Appstore, Google Play và nếu chiểu theo quy định này, việc bán bán ứng dụng cho người nước ngoài sẽ khó khăn. Bởi lẽ, rất nhiều start-up trẻ chưa từng phải “đụng chạm” tới những loại giấy phép tương tự.

Ngoài ra, ở Chương I của Dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh của Quyết định là tổ chức cá nhân, thương nhân có quyền, nghĩa vụ và hoạt động liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm-dịch vụ phần mềm. Do đó, có ý kiến cho rằng không hiểu quy định này có “áp” cho những cá nhân có nhu cầu mua ứng dụng từ các công ty trên thế giới qua các chợ ứng dụng hay không?

Ông Tiến cũng băn khoăn về việc tại sao phải có thêm việc quản lý này bởi nó không phản ánh những gì mà Thủ tướng Chính phủ mong muốn trong các lần gặp gỡ doanh nghiệp gần đây cũng như không phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc cắt giảm, loại bỏ giấy phép, điều kiện kinh doanh…

Thực tế cũng cho thấy, có nhiều các thủ tục hành chính của chúng ta đang trở nên bất cập hoặc chồng chéo. Mới đây, nhiều báo thông tin Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kể một câu chuyện về sản xuất thanh chocolate, doanh nghiệp phải cần 13 loại giấy phép. Tuy nhiên, câu chuyện giấy phép chồng giấy phép không chỉ riêng với chocolate mà rất phổ biến với nhiều loại hàng hóa khác.

Hiện nay, Chính phủ đang tổ chức rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển. Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 3/8, ông Mai Tiến Dũng cho biết, hiện tại vẫn còn hơn 5.700 thủ tục các loại trong đó có bộ còn giữ tới hơn 1.200 thủ tục, giấy phép. Và, nhiều thủ tục trong đó làm tốn thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Do đó, có lẽ cơ quan soạn thảo văn bản cần đặc biệt chú tâm tới việc tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là tạo hành lang thông thoáng giúp các doanh nghiệp start-up trong nước lớn mạnh, tránh việc start-up Việt phải lập doanh nghiệp ở nước ngoài vì những rào cản hành chính…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục