Ngày 11/10, một ngày sau khi xảy ra sự cố rò rỉ khí Amoniac (NH3) tại Trạm chiết nạp khí NH3 (số 217B/7A, đường An Phú Tây-Hưng Long, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh), không khí khu vực xung quanh đã đạt ngưỡng an toàn.
Các cơ quan chức năng đang tích cực xử lý sự cố.
Ảnh hưởng đến cuộc sống người dân
Ghi nhận của phóng viên tại khu vực xảy ra sự cố rò rỉ khí NH3, đến sáng 11/10, người dân đã trở về nhà sau khi lực lượng chức năng kiểm tra, đảm bảo nồng độ NH3, nhiệt độ trong không khí nằm ở ngưỡng an toàn.
Trao đổi với phóng viên, bà Võ Thị Hoàng Oanh, Bí thư Đảng uỷ xã An Phú Tây, ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền xã An Phú Tây đã kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ cho những trường hợp bị thương trong sự cố rò rỉ khí NH3, đồng thời có cán bộ xuống kiểm tra, thống kê thiệt hại của gia đình bị ảnh hưởng sau sự cố.
Chính quyền địa phương cũng đã làm việc với phía đơn vị chiết nạp khí NH3 về đền bù thiệt hại cho người dân. Trạm chiết nạp khí NH3 này đã từng xảy ra sự cố một lần và Ủy ban Nhân dân xã đã báo cáo lên Ủy ban Nhân dân huyện.
[Rò rỉ khí Amoniac tại TP Hồ Chí Minh, bốn người bị ngộ độc]
Cũng trong ngày 11/10, chính quyền địa phương cùng, các đơn vị chức năng huyện Bình Chánh tiến hành kiểm tra tại Trường Tiểu học An Phú Tây (1.000 học sinh) và Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Linh (1.200 học sinh). Các em học sinh đã quay trở lại học bình thường. Các suất ăn của ngày hôm qua (10/10), nhà trường cũng đã tiêu hủy theo yêu cầu của đơn vị chức năng. Nhà trường cũng đã giải thích cho phụ huynh học sinh, hướng dẫn các em học sinh, tránh trường hợp tới gần khu vực xảy ra sự cố.
Nhanh chóng khắc phục sự cố
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh, đây là sự cố tai nạn lao động chứ không liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Trạm chiết nạp khí NH3 là chi nhánh của một Công ty chiết nạp khí NH3, hoạt động từ năm 1992, có trụ sở chính ở phường 14, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Loại hình kinh doanh của công ty này là kinh doanh có điều kiện.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy huyện Bình Chánh cho biết khí NH3 có tính chất ngấm nước khiến người hít vào cảm giác bị khô, khó thở, cơ thể nóng rát. Khi sự cố xảy ra, lực lượng chức năng kịp thời triển khai phun sương để làm loãng không khí (từ 9 giờ 30-11 giờ 30). Ước tính sự cố xảy ra trong khoảng 20 phút, lượng khí NH3 xì ra khoảng hơn 1 tấn.
Nguyên nhân được xác định là do bất cẩn khi công nhân lắp ống dẫn khí từ bồn xe vào bồn. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy huyện Bình Chánh cho biết thời điểm xảy ra sự cố trạm này có hơn 20 tấn khí NH3.
Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh, khẳng định tính đến chiều 11/10, ngoài khu vực nơi xảy ra sự cố và hai hộ dân sát bên cạnh, không khí chưa đạt ngưỡng an toàn thì toàn bộ không khí khu vực xung quanh đã đạt ngưỡng an toàn.
Ủy ban Nhân dân huyện và Ủy ban Nhân dân xã An Phú Tây đã vận động sáu người dân của hai hộ tạm thời chưa về nhà đồng thời tiếp tục hỗ trợ hai hộ tạm cư cho đến khi chất lượng không khí đạt mức an toàn. Ngoài ra, các ban ngành đoàn thể địa phương cũng cử cán bộ giải thích cho người dân, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học An Phú Tây bình tĩnh, tránh hoang mang...
Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền huyện Bình Chánh đã phong tỏa khu vực, cử người bảo vệ tài sản cho người dân. Các ban ngành đoàn thể thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho người bị thương 14 triệu đồng/người chi phí điều trị; trong số bốn người bị thương, hiện ba người đang tiếp tục điều trị, một người đã được xuất viện. Các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp xác định thiệt hại cụ thể của người dân, kiểm tra hồ sơ pháp lý, các chế độ bảo đảm cho người lao động của Công ty chiết nạp khí NH3.
Ông Trần Phú Lữ cho biết trong thời gian tới huyện Bình Chánh sẽ phối hợp với các Sở ngành của Thành phố tổ chức kiểm tra toàn diện trạm này; tiếp tục phối hợp với Sở Y tế tiến hành quan trắc không khí thường xuyên, theo dõi nồng độ khí NH3 trong không khí; kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố có kế hoạch sớm di dời những cơ sở tương tự ra khỏi khu dân cư để tránh trường hợp xảy ra sự cố tương tự./.