Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với tình hình thực tế đối với cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đưa ra trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 1/2.
Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, phát triển báo chí phải đi đôi với quản lý tốt báo chí, nhất là trong bối cảnh bùng nổ của truyền thông xã hội. Định hướng trong quy hoạch báo chí là phải phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa...
“Nhà nước cần phải có cơ chế tài chính, đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, khuyến khích các cơ quan báo chí huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí,” ông Tuấn nói.
Hiện nay cả nước có 845 cơ quan báo in với 1.118 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; số lượng các kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá là 179 kênh; 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội; gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn thẳng thắn cho rằng, hiện nay số lượng các cơ quan báo chí và ấn phẩm tăng nhanh trong những năm qua nhưng cơ cấu chưa thật hợp lý. Một số bộ, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, địa phương có nhiều cơ quan, ấn phẩm báo chí. Một số báo có nhiều ấn phẩm phụ với nội dung không phù hợp với tôn chỉ mục đích. Hệ thống đài phát thanh truyền hình các tỉnh, thành phố được đầu tư về khả năng phát sóng vượt xa so với khả năng sản xuất chương trình…
Theo định hướng trong Quy hoạch, phát triển báo chí phải phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới. Cần kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Trong đó, tập trung trước hết cho các cơ quan báo chí chủ lực như Thông tấn xã Việt Nam, Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Đặc biệt, những cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả sẽ được xem xét sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế.
Về việc hiện nay trên không gian mạng có rất nhiều thông tin vu khống, sai sự thật, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng trong thế giới phẳng, không gian mạng phát triển mạnh như hiện nay thì bên cạnh những lợi ích thiết thực cũng có nhiều tác hại không thể lường trước cho người sử dụng.
Theo ông Tuấn, hiện nay trên mạng xã hội, nhất là blog cá nhân, có những blog chống đối quyết liệt Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo… Và, nếu không kịp thời những thông tin xấu, độc hại sẽ tác động rất lớn đến tâm tư của người dân, gây ra sự hoài nghi lớn trong xã hội.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội phát triển, nhưng với các blog xấu thì “ngoài biện pháp kỹ thuật, chúng tôi đã khuyến cáo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin chính thống để đấu tranh lại với các luận điệu xuyên tạc trên blog cá nhân phản động.”
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục cán bộ, phóng viên, biên tập viên nâng cao nghiệp vụ để đấu tranh trực diện trên mạng.
Một trong những vấn đề cốt lõi nhất chính là những người tiếp nhận thông tin cần phải có kiến thức để thích nghi, chống lại những thông tin xấu độc hại. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định thời gian tới sẽ có những biện pháp toàn diện hơn nhằm ngăn chặn, phòng chống thông tin độc hại, làm cho môi trường mạng trong sạch hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin chung của xã hội./.