Sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện từ năm 2018

Hàng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện, có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh.
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Hiện nay, việc xét nghiệm máu khi đi khám chữa bệnh là cần thiết để chẩn đoán nhiều loại bệnh khác nhau.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, hàng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện, có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm.

[Mẹ đã cho con cuộc đời, giờ để cứu con, mẹ cắt 60% lá gan]

Hiện nay, thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp khi bệnh nhân phải chuyển tuyến hay đi khám nhiều nơi, việc phải làm xét nghiệm máu nhiều lần tại các cơ sở y tế khác nhau khiến không ít người bệnh cảm thấy phiền hà, khó chịu.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đang tiến tới lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm đã được xác định trong Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025.

Theo đó, trước ngày 1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phân tích, trước hết, cần phải hiểu liên thông xét nghiệm thực chất là việc cơ sở khám chữa bệnh này công nhận và có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác trong một số trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng trong một thời gian và trên cơ sở tình trạng người bệnh.

“Thực hiện được điều này có nghĩa là một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả có thể được cơ sở khám chữa bệnh khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp,” ông Khuê chỉ rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục