'Sẽ lãng phí nếu Việt Nam chưa gia nhập Liên minh du thuyền châu Á'
Trần Long
Với chiều dài bờ biển hàng nghìn km từ Bắc xuống Nam cùng vô số điểm đến du lịch hấp dẫn, Việt Nam đang có đầy đủ lợi thế tham gia Liên minh Du thuyền châu Á.
Cục trưởng Cục Du lịch Đài Loan Chu Vĩnh Huy dẫn đầu đoàn đại biểu du lịch Đài Loan sang Việt Nam dự Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam-Đài Loan lần thứ 6. (Ảnh: taiwan.net.tw)
Với chiều dài bờ biển hàng nghìn km từ Bắc xuống Nam cùng vô số điểm đến du lịch hấp dẫn, Việt Nam đang có đầy đủ lợi thế tham gia Liên minh Du thuyền châu Á (ACC) để khai thác tối đa tiềm năng du khách quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam-Đài Loan lần thứ 6, diễn ra ngày 23/11 diễn ra tại khách sạn Hoàng Gia Hạ Long (Quảng Ninh), Cục trưởng Cục Du lịch Đài Loan - ông Chu Vĩnh Huy (Yong-Hui Zhou) đã chia sẻ với VietnamPlus về những ý tưởng và kế hoạch cụ thể một khi Việt Nam (đang là quan sát viên) chính thức tham gia ACC, một quyết định theo ông là sẽ tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp "không khói" Việt Nam.
Người đứng đầu ngành du lịch Đài Loan đã chỉ rõ những tiềm năng và sự thuận lợi khi Việt Nam trở thành thành viên ACC: "Đây là một trong những nội dung chính của cuộc hội thảo lần này. Chúng tôi rất hy vọng Việt Nam sẽ tham gia liên minh này, vì nếu các bạn nhìn trên bản đồ, từ đảo Hải Nam xuống tới Philippines, các điểm thành viên (đón du thuyền du lịch) này đều đã có sự liên kết với nhau rồi, chỉ còn thiếu điểm ở Việt Nam. Ở phía Bắc, Đài Loan cũng kết nối liên minh du thuyền với đối tác Hàn Quốc rồi. Về mặt địa lý, đất nước Việt Nam có đường bờ biển kéo dài từ Bắc xuống Nam, nên sẽ rất có lợi nếu các bạn tham gia Liên minh du thuyền châu Á."
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: travelandtourworld)
Du lịch du thuyền là dịch vụ rất hấp dẫn và có lợi cho các quốc gia ven biển, theo ông Chu Vĩnh Huy, vì cùng lúc có thể có tới 3.000 người lên một du thuyền lớn đi du lịch, một số lượng du khách rất lớn. "Nếu Việt Nam không tham gia Liên minh du thuyền châu Á, điều đó sẽ rất lãng phí vì du khách từ Đài Loan đến Hải Nam rồi lại quay về, hoặc họ chỉ tới Philippines, hoặc Hong Kong rồi lại đi vòng. Du lịch du thuyền trong 3 năm tới là hình thức du lịch vô cùng quan trọng," ông Chu Vĩnh Huy phân tích.
Kể từ khi Đài Loan và Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác du lịch năm 2012, số lượt du khách Việt Nam sang Đài Loan du lịch ngày càng tăng cao, đưa Việt Nam trở thành thị trường mới nổi hứa hẹn nhất Đông Nam Á của Đài Loan. Với sự tác động hiệu quả của chính sách đơn giản hóa thủ tục visa du lịch Đài Loan, nửa đầu năm 2017, có tổng cộng 218.352 lượt du khách Việt Nam đến Đài Loan, đạt tốc độ tăng trưởng hơn 100%. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2017, số lượt khách du lịch giữa hai nước đã vượt con số 700.000.
Tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy giao lưu du lịch Đài Loan-Việt Nam, Cục Du lịch Đài Loan một lần nữa dẫn đầu đoàn đại biểu ngành du lịch Đài Loan (Với 27 đơn vị, tổng số 55 người) lần lượt tổ chức "Hội nghị quảng bá du lịch và ẩm thực Đài Loan“ tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 20/11) và "Hội nghị Du lịch Đài Loan" tại Hà Nội (22/11), từ đó tích cực mở rộng thị trường du lịch Đông Nam Á./.
Những món ăn mang đậm hương vị Đài Loan được giới thiệu tại Việt Nam. (Nguồn: Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam)
Năm vị đầu bếp nổi tiếng của Đài Loan phối hợp trực tiếp với các đầu bếp của khách sạn Sheraton Saigon để làm các món ẩm thực đặc sắc. (Nguồn: Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam)
Để thúc đẩy càng nhiều du khách Việt Nam đến du lịch Đài Loan và ngược lại, Đài Loan đang nỗ lực quảng bá hình ảnh với kỳ vọng sẽ đạt con số 1,5 triệu lượt khách du lịch giữa hai phía trong năm 2017.
Trong cuộc tọa đàm hôm 19/9 về chủ đề du lịch Đài Loan giữa hơn 20 đại diện doanh nghiệp vui chơi nghỉ dưỡng tại hòn đảo này và nhiều công ty lữ hành Việt Nam cùng chia sẻ về các trải nghiệm thực.
Theo số liệu của Cơ quan Du lịch Nhật Bản, chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản đạt khoảng 3.280 tỷ yen (29,1 tỷ USD) trong chín tháng tính từ đầu năm nay.