Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) vừa có Công văn số 2854/QLCL-CL1 yêu cầu 19 doanh nghiệp, cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản có các lô hàng xuất khẩu vào EU bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm, nghiêm túc điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các hành động khắc phục.
Theo NAFIQAD, trong thời gian vừa qua, liên tục có các lô hàng thủy sản bị nhắc nhở về vi phạm an toàn thực phẩm, NAFIQAD cũng đã nhiều lần nhắc nhở nhưng các doanh nghiệp sở hữu những lô hàng này chưa thực hiện nghiêm túc việc điều tra nguyên nhân và xây dựng thực hiện các biện pháp khắc phục.
Các sản phẩm chủ yếu bị cảnh báo là tôm đông lạnh, cá tra đông lạnh, cá bống đông lạnh, lươn đông lạnh, cá trê vàng... do chứa dư lượng hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng giới hạn cho phép hoặc do phát hiện tồn dư hóa chất kháng sinh cấm trong sản phẩm.
Gần đây nhất, ngày 10/12, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng-Ủy ban Châu Âu (EC) đã có thông báo tình hình các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Công thư của EU cũng nêu rõ số lượng lô hàng bị cảnh báo và các cơ sở chế biến có liên quan đồng thời đề nghị NAFIQAD trả lời về hoạt động điều tra nguyên nhân và các biện pháp khắc phục đã được áp dụng, cũng như biện pháp lấy mẫu phân tích phù hợp và cho biết sau ngày 9/1/2015.
Phía EU cho biết nếu không nhận được trả lời từ phía Việt Nam, cơ quan thẩm quyền EU sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung có thể, bao gồm cấm nhập khẩu từ các doanh nghiệp bị cảnh báo, hoặc các biện pháp mạnh hơn, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU.
Do đó, để kịp thời trả lời cơ quan thẩm quyền của EU về vấn đề này và áp dụng các biện pháp khắc phục được chính xác, tránh ảnh hướng đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam, NAFIQAD yêu cầu các cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản có lô hàng bị cảnh báo khẩn trương, nghiêm túc điều tra, xác định nguyên nhân, thực hiện các hành động khắc phục và gửi báo cáo về NAFIQAD trước ngày 23/12/2014.
NAFIQAD cũng yêu cầu Cơ quan chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Trung Bộ, Nam Bộ khẩn trương thẩm tra báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục của cơ sở nêu trên.
Mặt khác, các đơn vị sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất và tổng hợp kết quả, đôn đốc các cơ sở có lô hàng bị cảnh báo thuộc địa bàn phụ trách đồng thời báo cáo về Cục trước ngày 31/12/2014./.