Sáng 8/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến “Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022."
Tại hội nghị, nhiều đại biểu nhận định sẽ không thiếu các sản phẩm chăn nuôi cuối năm.
Sản xuất chăn nuôi trong trong bối cảnh nhiều địa phương phải áp dụng giãn cách trong thời gian khá dài, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất chăn nuôi, nhưng cơ bản hoạt động sản xuất chăn nuôi vẫn được duy trì; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch cúm A/H5N6, A/H5N8, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát.
Tính chung chín tháng năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái; trên 12 tỷ quả trứng và gần 900.000 tấn sữa. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng hơn 4%.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chăn nuôi trâu-bò ổn định, dịch viêm da nổi cục dần đang được kiểm soát. Tổng đàn lợn cả nước tháng Chín khoảng 28 triệu con, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước với những tỉnh có đàn lợn lớn như Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa.
Sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong chín tháng ước đạt khoảng 2,9 triệu tấn, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn duy trì phát triển hiện tổng đàn lợn thịt trên 6 triệu con. Vừa qua do giãn cách xã hội, nhu cầu giảm nhiều, nên đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30%.
Hiện nay, đàn gia cầm cả nước khoảng 523 triệu con, tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm tiếp tục phát triển nhưng do nhu cầu thị trường giảm, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng cao làm cho người chăn nuôi lỗ rất nhiều.
Theo Cục Chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi chín tháng năm 2021 cơ bản chủ động được nhu cầu thực phẩm hiện tại của người dân các địa phương trên cả nước.
Theo kế hoạch sản xuất, sản lượng thịt các loại năm nay khoảng 6,2 triệu tấn; trong đó thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn; thịt gia cầm đạt khoảng 1,7 triệu tấn; thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 0,68 triệu tấn. Căn cứ tình hình sản xuất, nhu cầu của tiêu dùng cân đối giữa các vùng cuối năm cơ bản chủ động được nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhận định từ nay đến cuối năm không lo thiếu thịt nhưng lo về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân. Nhiều địa phương phải phụ thuộc nguồn hàng của địa phương khác. Dịch COVID-19 cho thấy do chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo được quy định về an toàn thực phẩm nên nhiều chuỗi bán lẻ, siêu thị không nhập được hàng.
Ông Phạm Công Thiếu,Viện trưởng Viện Chăn nuôi cũng đánh giá từ nay đến cuối năm, cung vẫn lớn hơn cầu, giá các sản phẩm chăn nuôi cũng khó tăng. Còn nếu có tăng cũng phải đến giữa năm 2022.
[Giá lợn hơi tiếp tục giảm, có nơi còn dưới 40.000 đồng mỗi kg]
Nhìn từ địa phương, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, nhận định sẽ không xảy ra thiếu nguồn cung. Nhưng, riêng nguồn cung thịt lợn khó dự đoán, trong khi Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng thịt tươi nhiều. Bởi, vừa qua tiêu thụ thịt khó và vẫn đang rất chậm. Bình thường, giờ đang là thời điểm tái đàn cho nguồn cung cuối năm, nhưng với giá lợn hiện nay, hầu như người chăn nuôi không tái đàn. Hơn một tháng qua, giá thành sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất.
Để ngành chăn nuôi hoàn thành kế hoạch sản xuất; đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo và triển khai các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Về tái đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng khi dịch được khống chế, nhu cầu thực phẩm tăng trở lại với số lượng lớn, chưa kể cuối năm sẽ cao hơn. Cục Chăn nuôi phải cân đối cung-cầu sát, căn cứ vào đặc điểm sinh học của từng đối tượng để tính toán chu kỳ sản xuất.
Tại hội nghị, các đại biểu đều đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất... đặc biệt là chính sách tín dụng hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lĩnh vực chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm và vật tư phục vụ sản xuất chăn nuôi. Từ đó, phục vụ cho duy trì đàn vật nuôi và tái đàn, đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, dịp Tết Nguyên đán và một phần cho xuất khẩu./.