Những khu vực này bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra từ thời kỳ chiến tranh, nằm trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố, gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, việc triển khai Dự án cải thiện và phục hồi môi trường đối với 100 khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết về đảm bảo môi trường phát triển bền vững, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của nước ta giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, dự án này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2011-2015, nhằm khắc phục triệt để nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở 100 khu vực nêu trên. Trong đó, ngoài tiểu dự án thành phần xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, còn có tiểu dự án xây dựng Trung tâm xử lý chất thải nguy hại, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tập trung tại khu vực Miền Trung, với tổng kinh phí thực hiện 2.000 tỷ đồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.
Nội dung và hoạt động của Dự án cải thiện và phục hồi môi trường đối với 100 khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, trước hết là xây dựng dự án xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường cho 100 khu vực bị ô nhiễm. Tiếp đó, sẽ tiến hành triển khai các hoạt động khắc phục, cải thiện môi trường ở những khu vực ô nhiễm nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra, theo đúng nội dung Dự án đã được phê duyệt; đồng thời tiến hành kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung xử lý, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường dự kiến được hoàn tất vào cuối năm 2015./.