"Sẽ gửi yêu cầu nhà sản xuất Pokemon Go tuân thủ pháp luật Việt Nam"

Cơ quan quản lý sẽ có văn bản yêu cầu nhà sản xuất và phát hành tuân thủ luật pháp Việt Nam, không để trò chơi Pokemon Go gây tác hại với xã hội.
"Sẽ gửi yêu cầu nhà sản xuất Pokemon Go tuân thủ pháp luật Việt Nam" ảnh 1Ông Lê Quang Tự Do cho biết, cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp bảo đảm quyền lợi của người chơi ở Việt Nam. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Kể từ khi chính thức “cập bến” Việt Nam ngày 6/8, trò chơi Pokemon Go đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng game thủ, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh một số mặt tích cực, trò chơi này cũng đem lại hoặc tiềm tàng không ít rủi ro cho người chơi.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ thẳng thắn về trò chơi này cũng như những biện pháp của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ người chơi ở Việt Nam.

"Hot" nhờ truyền thông

- Dù mới vào Việt Nam được 10 ngày nhưng Pokemon Go đang tạo nên "cơn sốt" trong giới trẻ. Theo ông, đâu là nguyên do khiến trò chơi này thu hút cộng đồng đến vậy?

Ông Lê Quang Tự Do: Pokemon Go khi phát hành trên thế giới đã gây sốt, và khi chính thức vào Việt Nam cũng tạo ra sức nóng, hấp dẫn giới trẻ.

Theo tìm hiểu của cơ quan chức năng thì có mấy nguyên nhân. Thứ nhất, trò chơi này có tính năng độc đáo về tương tác thực tế ảo, điều này mới so với game hiện đang cung cấp.

Thứ hai là sự vào cuộc của truyền thông. Ở một số quốc gia, các cơ quan truyền thông được nhà phát hành và nhà sản xuất đặt hàng đưa tin. Với mức độ đưa tin quá đậm đặc như vừa qua đã tạo ra hiệu ứng truyền thông trong giới trẻ, khiến nhiều bạn trẻ xem đây là một cách để thể hiện, là trào lưu thời thượng.

Thực tế trong theo đánh giá của cộng đồng game thủ Việt Nam, quản lý doanh nghiệp, nhà cung cấp game trong thời gian qua thì game thủ thích chơi những game có tính tương tác. Nghĩa là, người chơi được tương tác với người chơi khác thông qua online. Những game có tính tương tác với máy, offline thì không được ưa thích.

Khi vào Việt Nam, Pokemon tạo được "sức nóng" nhưng hiện nay trên các diễn đàn đã xuất hiện thông tin người chơi phản hồi chán game này bởi không có đặc tính mà game thủ Việt yêu thích là tương tác với nhau mà chủ yếu là tương tác với máy…

Bên cạnh đó, dấu hiệu hạ nhiệt cũng một phần do người chơi không trung thực. Ví dụ như game yêu cầu đi bộ, thì người chơi lại đi xe máy, taxi; crack [bẻ khóa-pv]… và điều này bị nhà sản xuất ngăn chặn.

Cơ quan truyền thông không nên tuyên truyền quá nhiều để trò chơi vượt qua giá trị thật, thành "hot ảo" và là trào lưu trong giới trẻ.

Nguy cơ

- Có rất nhiều nguy cơ đã được giới truyền thông đề cập khi chơi Pokemon Go và có quốc gia đã cấm trò chơi này. Vậy, mặt trái của Pokemon Go với người chơi Việt Nam là gì?

Ông Lê Quang Tự Do: Bên cạnh một số điểm tích cực, trò chơi này có nhiều điểm bất lợi.

Điểm tích cực dễ nhận thấy ở đây là trò chơi khuyến khích vận động, nhưng như đã nói, người Việt lại thích dùng phương tiện giao thông để chơi trò chơi nên mặt tích cực không nhiều. Trong khi đó, nguy cơ xấu là khá rõ.

Trước hết là việc an toàn với người chơi. Ở đây có ba mức độ. Thứ nhất là về quyền lợi. Khi một game online được cơ quan quản lý cấp phép sẽ có thẩm định về nội dung và được nhà nước bảo hộ. Nhà chức trách sẽ buộc nhà phát hành có biện pháp bảo vệ quyền lợi người chơi ví dụ như khi người chơi mất tài khoản, tiền, vật phẩm ảo… thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, Pokemon Go không được cấp phép, đặt máy chủ, trụ sở ở nước ngoài nên khi người chơi gặp vấn đề về quyền lợi thì không dễ dàng được giải quyết…

Thứ hai là an toàn về thông tin. Trên thế giới, sau một tháng Pokemon Go ra mắt đã có nhiều trang web giả mạo trò chơi này và nhiều virus ăn theo trò chơi được cài đặt trong các đường link và phát tán. Khi người chơi cài đặt nhầm sẽ bị hacker xâm nhập, đánh cắp thông tin cá nhân...

Thứ ba là an toàn cho người chơi trên thực địa. Những chuyện mà người chơi Pokemon Go ở các nước gặp phải thì ở Việt Nam cũng bắt đầu gặp phải. ​Các nước phần lớn người dân dùng ôtô làm phương tiện đi lại. Tại Việt Nam, người dân chủ yếu dùng xe máy, xe đạp, các phương tiện đi lại cũng chưa quy củ, nên vừa tham gia giao thông vừa dán mắt vào điện thoại gây ra nhiều nguy cơ cao về mất an toàn.

Bên cạnh đó, người chơi còn vào những địa điểm, khu vực cấm. Ở các nước Mỹ, châu Âu, vi phạm có thể bị bỏ tù và thực tế có không ít trường hợp các nước này đã xử lý. Còn ở Việt Nam cũng đã có trường hợp người chơi vào những khu vực cấm quay phim, chụp hình…

Do đó, chúng tôi thấy cần phải có khuyến cáo người chơi nhằm giữ an toàn cho bản thân và góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước giữ an toàn cho xã hội.

"Sẽ gửi yêu cầu nhà sản xuất Pokemon Go tuân thủ pháp luật Việt Nam" ảnh 2Một nhóm chơi Pokemon Go trên đường phố. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Phải tuân thủ luật pháp Việt Nam

- Khuyến cáo ở đây cụ thể là gì, thưa ông?


Ông Lê Quang Tự Do:
Chúng tôi đã xây dựng và trình lãnh đạo Bộ một số khuyến nghị người chơi như phải cẩn trọng bảo vệ quyền lợi của mình trong game khi chơi; thận trọng với lộ lọt thông tin cá nhân; không chơi trong khu vực nhạy cảm (đền, chùa...), nguy hiểm (lòng đường, đường cao tốc); không chơi khi tham gia giao thông; cẩn trọng khi cài đặt phần mềm, đặc biệt là phần mềm không rõ nguồn gốc để hỗ trợ cho game…

Các khuyến nghị này được xây dựng dựa trên tham khảo của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp…

- Có một số quốc gia đã gửi yêu cầu tới nhà sản xuất, cấm đặt vật phẩm ảo tại một số địa điểm… Cơ quan quản lý Việt Nam có làm như vậy không?

Ông Lê Quang Tự Do: Khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý trò chơi này chúng tôi thấy ngay cả quốc gia có công ty sản xuất trò chơi này là Mỹ (Công ty Niantic) và Nhật Bản (Nintendo có cổ phần trong chò chơi) đều yêu cầu nhà sản xuất tuân thủ quy định của pháp luật.

Đối với Việt Nam, chúng tôi sẽ có văn bản trong thời gian sớm nhất, yêu cầu nhà sản xuất và nhà phát hành (Apple, Google) tuân thủ pháp luật Việt Nam, không gây tác hại với xã hội.

Chúng tôi sẽ yêu cầu không thả Pokemon ở khu vực nhạy cảm và phải bảo đảm quyền lợi, an toàn của người chơi, đặc biệt là bảo đảm an toàn thông tin…

Thực tế hiện nay chúng tôi đã có liên hệ phối hợp chặt chẽ với các công ty phát hành như Apple, Google, Microsoft… trong việc xử lý một số game. Họ cũng từng có văn bản trả lời sẽ phối hợp xử lý, gỡ bỏ nếu game vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong trường hợp nhà sản xuất Pokemon Go không hợp tác, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu nhà phát hành gỡ bỏ game hoặc đưa ra các giải pháp khác để bảo vệ người chơi.

- Xin cảm ơn ông!

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục