Sẽ giám sát giao thông từ dữ liệu điện thoại vào năm 2016

Trong năm 2016, Việt Nam hoàn toàn đưa công nghệ sử dụng dữ liệu điện thoại di động để giám sát trực tuyến giao thông vào ứng dụng trong đời sống của người dân.
Hệ thống quản lý giao thông thông minh đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: Hoàng Nhương/TTXVN)

Ở nhiều nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông trong quản lý, điều hành giao thông là một giải pháp hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm và mang tính bền vững.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện nước ta chưa thể giám sát được một các trực tuyến giao thông cũng như cung cấp trạng thái giao thông cho người dân thông qua internet, điện thoại di động. Tuy nhiên, trong năm 2016 có thể hoàn toàn đưa công nghệ sử dụng dữ liệu điện thoại di động để giám sát trực tuyến giao thông vào ứng dụng trong đời sống của người dân.

Bên lề Hội nghị Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam vào sáng nay (18/3), phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng xung quanh vấn đề này.

Cập nhật giao thông trên điện thoại

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong giám sát, điều hành giao thông tại Việt Nam?

Ông Khuất Việt Hùng: Năm 2014, ngành giao thông vận tải bắt đầu khai thác dữ liệu hành trình trong công tác giám sát hành trình nhằm quản lý các loại hình kinh doanh vận tải, đặc biệt trong quản lý các mục tiêu về an toàn giao thông của hoạt động kinh doanh vận tải.

Hiện nay, trên các tuyến đường cao tốc, chúng ta bắt đầu áp dụng hệ thống camera giám sát cũng như bắt đầu triển khai hệ thống thu phí điện tử. Gần đây nhất đã áp dụng công nghệ thu phí lên công nghệ thu phí không dừng, ngành đường sắt ứng dụng vé điện tử. Ở thủ đô Hà Nội đưa vào trung tâm điều khiển giao thông, bắt đầu ứng dụng dữ liệu từ camera giám sát trong việc sử dụng dữ liệu để xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm luật giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, để có thể ứng dụng giao thông thông minh giải quyết một cách trọn vẹn các mục tiêu giao thông thì chúng ta đang chập chững bước đầu và có thể nói ở bước rất thấp so với một số quốc gia khác. Thực tế, chúng ta chưa thể giám sát được một các trực tuyến giao thông, cũng như chưa thể cung cấp trạng thái giao thông cho người dân thông qua những kênh như internet, điện thoại di động.

- Trong thời gian qua, ngành giao thông vận tải cũng đã thảo luận và nghiên cứu nhiều về ứng dụng giao thông thông minh của nước ngoài vào Việt Nam. Vậy, hội thảo lần này, có phương án nào để áp dụng thí điểm trong việc giải quyết các vấn đề an toàn và quy hoạch giao thông đô thị?

Ông Khuất Việt Hùng: Trong cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện, trạng thái giao thông chúng ta còn hạn chế. Vì thế, tại hội nghị này, chúng tôi có vai trò thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mục tiêu của hội thảo nhằm kết nối giữa một bên là giải pháp tổng thể quản lý giao thông, một bên là giải pháp liên quan đến việc sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ôtô và dữ liệu từ điện thoại di động để giám sát và phân tích trạng thái của giao thông, qua đó có thể cung cấp thông tin cho người dùng qua internet hay qua người dân qua điện thoại di động.

Đơn cử, chúng ta cũng có thể cung cấp thông tin từ đèn tín hiệu đến quan lý các phương tiện vận tải công cộng. Người dân có thể chọn tuyến đường trước khi đi để tránh không ùn tắc đồng thời trong quá trình người dân tham gia giao thông, ứng dụng ấy cũng cho phép người dân có điều chỉnh tuyến đường. Tức là trạng thái giao thông có thể được cập nhật liên tục, thông tin cứ 2 phút cập nhật một lần truyền về mạng lưới giao thông toàn thành phố.

Hiện nay, ở Hà Nội, có những hôm buổi sáng sớm, đường rất thoáng nhưng người điều khiển xe cũng vẫn phải đứng chờ đèn đỏ mấy chục giây dù trên đường chỉ có một hai cái xe. Nhưng nếu chúng ta có dữ liệu về thực trạng giao thông thì sẽ cập nhật lại chu kỳ đèn tín hiệu. Lúc đấy sẽ phù hợp hơn và giảm chu kỳ chờ đợi đèn tín hiệu.

Mở rộng vào năm 2016

- Ở các nước, người điều khiển xe thường sử dụng điện thoại thông minh để khai thác dữ liệu cập nhật về tình hình giao thông. Vậy, bao giờ người dân nước ta mới có thể tiếp cận được công nghệ này, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Việt Nam đã có hơn 130 triệu sim điện thoài di động. Các thiết bị di động khác cũng có thể gắn sim vào. Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel Telecom) chiếm xấp xỉ 50% thị trường.

Tại hội nghị trên, Viettel Telecom đã giới thiệu một giải pháp tối ưu hiện nay đó là sử dụng kết quả từ việc phân tích gói dữ liệu lớn qua các thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu điện thoại trực tuyến để xây dựng các công cụ giám sát thực trạng giao thông, quản lý đèn tín hiệu, phương tiện, biển báo… Nguồn thông tin này giúp cho nhà quản lý dự báo và quy hoạch đô thị, điều hành và xử lý các vấn đề khác của giao thông.

Như vậy, nếu như chúng ta tích hợp được trên điện thoại cầm tay của Viettel với giải pháp mà các chuyên gia trình bày thì sẽ có nguồn dữ liệu tuyệt với về trạng thái giao thông trên đường.

Ví dụ, tôi cầm điện thoại đi trên đường, ôtô của tôi đi nhanh hay chậm thì sẽ được gửi về hệ thống và dữ liệu của hàng triệu người đang tham gia giao thông sẽ được gửi về hệ thống và xử lý. Khi đó, chúng ta sẽ có được trạng thái thực của giao thông.

Chúng ta dựa vào thiết bị giám sát hành trình của xe kinh doanh vận tải, nhưng rõ ràng thiết này không thể so sánh được với điện thoại di động người dân đang sử dụng. Nếu như ta có được dữ liệu từ điện thoại di động thì chúng ta khẳng định lúc đó trạng thái thực của giao thông sẽ được cập nhật đầy đủ hơn và lúc đó sẽ đưa ra được giải pháp trong vấn đề giao thông.

Tôi cho rằng, trong năm 2016 chúng ta có thể đưa công nghệ sử dụng dữ liệu điện thoại di động để giám sát trực tuyến giao thông vào ứng dụng trong đời sống của người dân. Các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Giao thông Vận tải Hà Nội muốn sử dụng dữ liệu này để cung cấp thông tin cho người dân thì chắc chắn có thể giải quyết được. Bản thân ứng dụng này được các nhà kinh doanh vận tải, hay Tổng cục Đường bộ Việt Nam áp dụng vào quản lý Nhà nước. Trước mắt, thí điểm tại Hà Nội, sau đó mở rộng ra Đà Nẵng.

- Việc cập nhật tình hình giao thông liên quan tới việc xác định vị trí của người dùng. Vậy vấn đề này sẽ được tiến hành ra sao: Nhà mạng sẽ chủ động khai thác thông tin vị trí của thuê bao hay là thuê bao chủ động bật GPS để xác định vị trí của mình?

Ông Khuất Việt Hùng: Đây là cái quan hệ giữa thuê bao và nhà mạng nên nhà mạng phải làm việc với khách hàng để đi đến thông nhất.

Thông thường các nước, nếu thuê bao chấp nhận để nhà mạng sử dụng dữ liệu của mình thì khi đó nhà mạng cung cấp ngược trở lại những thông tin liên quan đến giao thông mà thuê bao cần. Đây là kinh nghiệm của nước ngoài, còn đối với Viettel Telecom, chúng tôi tin tưởng rằng đơn vị này sẽ có giải pháp hợp lý.

Tuy nhiên, để có dữ liệu toàn diện hơn và thể hiện được bối cảnh giao thông xác thực hơn thì có khả năng tích hợp tất cả các nhà mạng vào dự án này. Chúng tôi nghĩ rằng, cơ quan chủ trì dự án sẽ mong muốn hợp tác với nhiều nhà mạng khác.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục