Sau khi Chính phủ điều chỉnh tăng học phí, Bộ Tài chính đang chủ trì xem xét điều chỉnh mức vay và lãi suất cho vay đối với các sinh viên.
Đây là thông tin được ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chiều ngày 21/10, tại buổi họp báo thường kỳ quý 4 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Cũng theo ông Quang, không chỉ đối với sinh viên, Bộ Tài chính cũng xem xét lãi suất với các dự án đầu tư vào các trường đại học.
Mức học phí mới vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/10 và áp dụng từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Theo đó, học phí mới tăng so với học phí cũ ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến sau tiến sỹ.
Một điểm mới của khung học phí mới là chia hai nhóm trường công, nhóm trường công tự chủ và nhóm chưa tự chủ kinh phí chi thường xuyên. Trong đó, học phí ở nhóm trường công tự chủ tài chính khá cao so với các trường chưa tự chủ tài chính.
[ 15 đối tượng được miễn học phí theo quy định mới]
Ở bậc đại học, với ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản, học phí ở các trường công tự chủ tài chính năm học 2015-2016 là 1,75 triệu đồng/tháng; đến năm học 2020-2021 là 2,05 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức học phí ở trường công chưa tự chủ tài chính chỉ là 610.000 đồng năm học 2015-2016 và 980.000 đồng với năm học 2020-2021.
Khối ngành y dược, mức học phí giữa hai nhóm trường còn có sự chênh lệch cao hơn nữa. Cụ thể, học phí ở trường công tự chủ tài chính năm học 2015-2016 là 880.000 đồng/tháng, đến năm học 2020-2021 là 1,43 triệu đồng/tháng. Nhưng đối với trường công tự chủ tài chính, học phí cao gấp 5 lần, năm học 2015-2016 là 4,4 triệu đồng/tháng, đến năm học 2020-2021 là 5,05 triệu đồng/tháng.
Theo ông Quang, việc điều chỉnh mức vay và lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ cho sinh viên trong trang trải chi phí học tập khi học phí tăng./.