Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 diễn ra chiều 23/12, đại diện Bộ Công Thương cho hay trong hoạt động thương mại điện tử, vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo vị này, văn bản pháp lý về Thương mại điện tử mặc dù đã có các quy định về việc rà soát, kiểm soát, xử lý các thông tin vi phạm nhưng hoạt động vi phạm trong không gian mạng diễn ra ngày một tinh vi, đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cần có công cụ quản lý hiệu quả hơn.
Ngoài ra, mô hình Thương mại điện tử phát triển ngày càng phức tạp, đa dạng và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt. Đặc biệt, đối với hoạt động livestreams bán hàng, hiện đang là xu hướng phát triển nhanh của Thương mại điện tử nhưng các quy định pháp lý về Thương mại điện tử mới chỉ điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, chưa có các quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream (người chủ tài khoản, người tham gia livestream), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams.
Quản lý thị trường: Ưu tiên chống hàng giả trên thương mại điện tử năm 2025
Năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 319 đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Về kiểm soát Thương mại điện tử xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có các quy định ban đầu về các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ Thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam nhưng các quy định chưa đủ mạnh và lan tỏa, dẫn đến việc nhiều nền tảng Thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý chính thức.
Vì vậy, trong năm 2025, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thống nhất hệ thống pháp luật về Thương mại điện tử trong mối tương quan với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cùng với đó, Bộ sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030; Giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, các bất cập, hạn chế trong thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về Thương mại điện tử trong thời gian vừa qua cũng như để phù hợp với xu thế đổi mới do công nghệ thông tin đã làm thay đổi và định hình lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực Thương mại điện tử.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước trong địa phương; đẩy mạnh công tác thống kê hoạt động Thương mại điện tử; Tiếp tục thực hiện hoạt động rà soát, giám sát, cảnh báo, thanh tra vi phạm trong Thương mại điện tử, đặc biệt đối với các nền tảng số xuyên biên giới.
Tiếp tục tổ chức, triển khai các hoạt động tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trên môi trường mạng; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối giao thương thông qua Thương mại điện tử và khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia Thương mại điện tử xuyên biên giới như một công cụ xuất khẩu hữu ích./.