Sẽ có thêm nhiều công viên sáng tạo "Made in Singapore" tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ có thêm các Công viên sáng tạo "Made in Singapore" tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Sẽ có thêm nhiều công viên sáng tạo "Made in Singapore" tại Việt Nam ảnh 1Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 về Kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore diễn ra ngày 23/9, tại Singapore. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ có thêm các Công viên sáng tạo "Made in Singapore" tại Hà Nội và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, hai bên cũng đang xúc tiến đề có thể sớm triển khai xây dựng dự án Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) thứ tám đặt tại tỉnh Quảng Trị.

Thông tin này được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 về Kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore diễn ra ngày 23/9, tại Singapore.

Khẳng định đầu tư là một trong những điểm sáng của quan hệ hợp tác kinh tế song phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh các doanh nghiệp Singapore tăng cường đầu tư trên nhiều lĩnh vực cũng như có tiếp cận mới, hợp tác nhanh hơn và hiệu quả hơn với nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Singapore hiện chiếm tới 60% tổng vốn đầu tư của ASEAN vào Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ ba (sau Nhật Bản, Hàn Quốc) với hơn 1.600 dự án đi vào hoạt động, có tổng vốn đầu tư đạt xấp xỉ 38 tỷ USD. Trong năm 2015 vừa qua, kim ngạch thương mại đạt 21 tỷ SGD (tương đương 16 tỷ USD). Hiện đã có bảy khu công nghiệp Việt Nam-Singapore với thương hiệu VSIP có mặt ở nhiều tỉnh và thành phố của Việt Nam, thu hút đầu tư trị giá 9 tỷ USD, tạo ra 170.000 việc làm.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp Singapore mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ sạch, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp... theo hình thức PPP cũng như tham gia mạnh hơn vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước như mua cổ phần của các doanh nghiệp lớn (Mobifone). Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh nhất để thu hút các nguồn lực bên ngoài đồng thời lấy doanh nghiệp làm động lực cho tăng trưởng; đẩy mạnh tái cơ cấu phục vụ tăng trưởng, thúc đẩy năng suất.

Liên quan đến đề xuất của Ngân hàng UOB Singapore về việc mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang xem xét nghiêm túc quá trình này đồng thời tin tưởng rằng UOB sẽ sớm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để có thể có được giấy phép hoạt động một cách sớm nhất.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Lim Hng Kiang nhất trí với các đề xuất của phía Việt Nam đồng thời nhấn mạnh rằng tiềm năng để mở rộng hợp tác kinh tế vẫn còn nhiều và hy vọng hai bên sẽ cùng nhau phát huy tối đa tiềm năng hợp tác kinh tế để ngày càng làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trên cơ sở đó, Hội nghị cấp Bộ trưởng về Kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore được xem là cơ chế hữu hiệu trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước, có tác động quan trọng đến việc phát triển quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nền kinh tế.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, hai bên đã trao đổi và đề xuất các biện pháp, hình thức hợp tác để tăng nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều cũng như ra khu vực và thế giới; cùng nhau chia sẻ khó khăn vướng mắc, tìm ra phương hương hợp tác mới mang lại ý nghĩa hiệu quả nhiều hơn ngoài 6 lĩnh vực hợp tác trong chương trình kết nối. Phía Việt Nam đề nghị Singapore tiếp tục hỗ trợ các chương trình trao đổi giáo dục, tăng số học bổng cho học sinh và sinh viên Việt Nam; tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, khởi nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng năng lực và thể chế cho thị trường tài chính-ngân hàng và chứng khoán; đẩy mạnh các chương trình và dự án phát triển du lịch...

Hội nghị cấp Bộ trưởng về Kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore là hoạt động được tổ chức luân phiên và định kỳ hàng năm trên cơ sở triển khai Hiệp định Kết nối Kinh tế Việt Nam-Singapore được ký kết giữa hai Chính phủ vào năm 2005. Chương trình hợp tác toàn diện tập trung vào 6 nội dung cụ thể, bao gồm tài chính; giáo dục và Đào tạo; giao thông vận tải; công nghệ thông tin và truyền thông, đầu tư, thương mại và dịch vụ. Ngoài 6 nội dung nói trên, hai bên còn trao đổi các biện pháp nhằm mở rộng phạm vi hợp tác phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của mỗi quốc gia.

Tại hội nghị lần này, hai bên đã thông báo và trao đổi về các kết quả đạt được thuộc 6 lĩnh vực hợp tác kể từ Hội nghị lần thứ 11 (Thừa Thiên-Huế, tháng 4/2015) đến nay cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để cùng tìm ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Dự kiến, hội nghị kết nối tiếp theo sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 9/2017./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục