Sẽ có thêm 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2023

Để hoàn thành chỉ tiêu, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các địa phương xây dựng các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả như phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, đôn đốc công tác thu...
Sẽ có thêm 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2023 ảnh 1Tiếp nhận hồ sơ thu bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt mục tiêu năm 2023 sẽ tăng thêm 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội so với năm 2022, trong đó bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 892.000 người, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 314.000 người.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 13/2.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh dự báo năm 2023 là năm với rất nhiều khó khăn tác động tới công tác thu, phát triển người tham gia của ngành. Với phương châm hành động “Đoàn kết-Kỷ cương-Linh hoạt-Sáng tạo-Chuyên nghiệp-Hiệu quả,” toàn ngành sẽ phải nỗ lực, tận dụng tối đa mọi nguồn lực và lợi thế sẵn có để phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

“Bảo hiểm xã hội từng địa phương cần rút ra bài học kinh nghiệm hay để triển khai, nhân rộng trong toàn đơn vị; kịp thời đề xuất, tháo gỡ các vướng mắc để thực hiện hiệu quả các nội dung theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; kịp thời báo cáo, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện; tăng cường công tác truyền thông tới mọi tầng lớp nhân dân…,” ông Nguyễn Thế Mạnh nói.

[Nợ bảo hiểm xã hội: Cần giải pháp về nguồn lực, chế tài đủ sức răn đe]

Để hoàn thành các chỉ tiêu, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố xây dựng các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, trong đó tập trung chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào nghị quyết của hội đồng nhân dân các cấp; tham mưu kế hoạch, nội dung giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ.

Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế; Sở Kế hoạch-Đầu tư và các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia, nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương sẽ có trách nhiệm theo dõi đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức dịch vụ thu để đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động nộp đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng và số tiền chậm đóng của những tháng trước, đôn đốc tổ chức dịch vụ thu hoàn thành chỉ tiêu đã cam kết với cơ quan bảo hiểm xã hội./.

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 1/2023 cả nước có gần 17,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ là 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 648.000 người so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có trên 15,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (tăng 4,2% so với cùng kỳ  năm 2022), trên 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục