Thời gian qua, ngành hàng không đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt từ đầu năm đến nay, tình trạng chậm hủy chuyến có nhiều cải thiện.
Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ tại một số cảng hàng không vẫn còn hạn chế nhất định và mới đây một trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới có đánh giá không tốt về vấn đề này với sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có những quyết sách mạnh mẽ để nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không.
PV: Ông có thể đánh giá tình hình chung về chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không Việt Nam hiện nay?
Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cùng các đơn vị tham gia kinh doanh dịch vụ hàng không đã có nhiều cố gắng trong việc tập trung, nâng cấp, mở rộng các cơ sở, hạ tầng sân bay.
Đặc biệt, năm 2014, Luật Hàng không dân dụng được sửa đổi theo hướng phát triển hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không phát triển.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam và sự hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ nên lưu lượng khách tham gia giao thông bằng đường hàng không ngày càng tăng. Cả lượng khách lẫn hàng hoá qua đường hàng không tại Việt Nam đều tăng trưởng trên hai con số.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng sân bay trước đây đa số vừa phục vụ hoạt động bay quân sự lẫn dân sự nên việc điều hành bay có khó khăn, nhất là điều hành không lưu.
Trước tình hình trên, các đơn vị hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng không đã nỗ lực cố gắng, đặc biệt là những sân bay lớn như: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài...
Nhưng để đáp ứng yêu cầu phát triển thì chúng ta chưa thực sự đáp ứng được. Cụ thể như sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố nên năng lực khai thác mới duyệt gần đây là đến năm 2020 cũng mới chỉ đáp ứng được 25 triệu khách thông quan nhưng đến tháng 10/2015 thì lượng khách thông quan đã vượt 25 triệu khách.
Dự kiến hết năm 2015 sẽ vượt mức 26 triệu khách, vượt cả quy hoạch đã phê duyệt nên dẫn đến tình trạng quá tải. Điều này cũng xuất phát từ việc sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng được do quỹ đất không có.
Mặt khác, dù đã cố gắng làm nhà ga T2 ở sân bay Tân Sơn Nhất nhưng với lượng khách 26 triệu là hết sức quá tải.
Bên cạch đó, về mặt kỹ thuật, hạ tầng hàng không cơ bản là tốt nhưng các dịch vụ, lĩnh vực phi hàng không thì phải nghiêm túc đánh giá là chưa tốt.
Ví dụ như dịch vụ nhà hàng, thái độ phục vụ khách hàng, vệ sinh môi trường, các dịch vụ thông tin, wifi… làm chưa tốt. Vì thế, các đơn vị kinh doanh cần phấn đấu hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian tới.
PV: Vừa qua, trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports đã đưa sân bay Tân Sơn Nhất vào danh sách một trong 10 sân bay có dịch vụ tệ nhất châu Á, ông có đánh giá như thế nào vể nhận xét này?
Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Chúng ta phải nhìn nhận, trang web này chưa phải là trang web chính thống, và việc đánh giá này mới chỉ qua tham khảo ý kiến khách hàng trên mạng Internet, do đó đây chưa phải là sự đánh giá chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ghi nhận 2 năm liên tục, chất lượng dịch vụ phi hàng không của sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất có nhiều điểm chưa tốt. Điều này cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận ra và đặc biệt, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng thấy được vấn đề này.
Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo để nâng cao chất lượng dịch vụ phi hàng không tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Ở đây, trách nhiệm trước tiên thuộc về Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam, Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất phải liên tục kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng dịch vụ của các đơn vị.
Trước đây, các dịch vụ này chúng ta tự làm lấy, tuy nhiên hiện nay khi thuê các đơn vị bên ngoài vào làm thì hàng năm phải có sự lựa chọn, doanh nghiệp nào không đảm bảo được chất lượng thì phải chấm dứt hợp đồng để lựa chọn doanh nghiệp khác.
Mặt khác, để tạo điều kiện cho các dịch vụ phi hàng không phát triển phục vụ tốt nhất cho hành khách thì vấn đề cơ sở hạ tầng, trong đó có nhà ga phải đủ rộng, tạo sự thông thoáng, thuận tiện nhất cho hành khách nghỉ, chờ tại sân bay hoặc thông quan, xuất nhập khẩu được thuận lợi nhất.
Vấn đề thứ hai là đảm bảo sự kết nối của sân bay với hệ thống giao thông của thành phố. Đối với vấn đề này, không những Bộ Giao thông Vận tải mà Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng phải vào cuộc.
Bởi đây là sự phát triển của thành phố, sự đóng góp thuế, tạo công ăn việc làm cho thành phố, do đó Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải có sự quan tâm.
Một năm có khoảng 25 triệu hành khách thông quan Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, do đó hệ thống giao thông kết nối từ sân bay tới thành phố phải được chú trọng, chứ không thể một mình sân bay làm được.
Kiểm tra thực tế tại sân bay vừa qua, tôi thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, song bản thân người đứng đầu Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất chưa đánh giá, rà soát mạnh mẽ để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ví dụ như mạng wifi tại sân bay chưa được tốt thì cần thay ngay nhà cung cấp dịch vụ khác tốt hơn hoặc các dịch vụ ăn uống, dịch vụ vệ sinh chưa tốt thì phải tìm nhà cung cấp khác.
Những vấn đề này có thể chuyển biến được ngay nếu tăng cường khâu kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung cấp.
Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức một cuộc họp để kiểm tra vấn đề này và sẽ có những quyết sách mạnh mẽ kể cả trong điều hành cũng như trong quản lý để nâng cao chất lượng tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.
PV: Đối nghịch với sân bay Tân Sơn Nhất, hai sân bay Đà Nẵng và Nội Bài đã lọt vào top 30 sân bay tốt nhất châu Á do chính The Guide to Sleeping in Airports bình chọn. Theo ông đâu là yếu tố giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và thứ hạng tại các sân bay này?
Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Chúng ta thấy ngay được hạ tầng của sân bay Quốc tế Nội Bài được cải thiện rõ khi chúng ta khánh thành và đưa vào sử dụng nhà ga T2, giúp tăng gấp đôi năng lực khai thác, đặc biệt là tách được việc cung cấp dịch vụ cho khách đi nội địa và khách đi quốc tế.
Thứ hai là hệ thống giao thông kết nối, ví dụ như cầu Nhật Tân-Nội Bài, tất cả hệ thống giao thông vào và ra Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài rất tốt.
Đặc biệt khi đưa nhà ga T2 vào hoạt động thì hành khách có không gian tốt hơn để nghỉ ngơi, chờ đợi trước khi lên máy bay hay có khu vực giải trí, khu vực bán hàng cung cấp dịch vụ được mở rộng hơn để hành khách có thể lựa chọn một cách thoải mái hơn.
Về sân bay Đà Nẵng, nhà ga cũng mới được đưa vào sử dụng đáp ứng tốt lưu lượng hành khách ra vào. Sắp tới, cảng hàng không này tiếp tục được nâng cấp mở rộng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu hành khách gia tăng hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!