Sẽ có quy định ngăn doanh nghiệp cổ phần hóa “ôm đất đẹp"?

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong đó nhấn mạnh việc sẽ có phương án ngăn tình trạng doanh nghiệp cố tình lợi dụng "ôm đất".
Sẽ có quy định ngăn doanh nghiệp cổ phần hóa “ôm đất đẹp"? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong đó nhấn mạnh việc sẽ có phương án ngăn tình trạng doanh nghiệp cố tình lợi dụng "ôm đất".

Phải có phương án sử dụng đất

Theo dự thảo vừa được lãnh đạo Bộ Tài chính công bố, xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá là một vấn đề được ngành tài chính xác định là “nóng” trong thời gian qua.

Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, điểm mới trong dự thảo là cơ quan chức năng đã bổ sung quy định đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương. Ngoài ra, phương án sử dụng đất phải được gửi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.

Thay đổi này theo đại diện Bộ Tài chính nhằm ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.

Qua đó, khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, cơ quan chức năng phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch.

Tăng công khai, minh bạch

Một điều chỉnh khác trong dự thảo là tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp cổ phần hóa có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm.

Điều này theo lãnh đạo ngành tài chính dẫn tới quyền lợi của các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện.

Ngoài ra, hiện tại, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt. Tuy vậy, quy định này theo đánh giá là chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước.

Để khắc phục hạn chế trên, dự thảo Nghị định điều chỉnh quy định việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hướng thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai (bỏ hình thức bán thỏa thuận trước). Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng dự tính thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm (thay cho 5 năm).

Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn của nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế.

Một thay đổi đáng chú ý khác chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá. Theo quy định hiện hành, chỉ người lao động tại công ty mẹ được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa công ty mẹ.

Để tạo thuận lợi cho người lao động nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp sau cổ phần, dự thảo nghị định điều chỉnh theo hướng người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, bao gồm cả người lao động tại các công ty con được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực Nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định điều chỉnh theo hướng người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực Nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục