Sẽ có hình thức tuyển sinh riêng đo phẩm chất của sinh viên sư phạm?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị trường sư phạm thời gian tới cần có hình thức kiểm tra năng khiếu, phẩm chất nghề nghiệp, bên cạnh điểm số như hiện nay.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Cần có hình thức tuyển sinh để có thể đánh giá được năng khiếu, phẩm chất nghề nghiệp khi tuyển sinh vào ngành sư phạm; rà soát lại các thủ tục hành chính để giảm áp lực cho giáo viên; cần tư vấn nhiều hơn để phụ huynh hiểu và đồng hành cùng nhà trường…

Đó là những giải pháp được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tọa đàm “Áp lực giáo viên, nguyên nhân và giải pháp”. Tọa đàm do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng nay, ngày 14/12, tại Hà Nội.

Cần cách tuyển sinh riêng cho sinh viên sư phạm

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng giáo viên hiện nay phải chịu nhiều áp lực từ phụ huynh, học sinh, dư luận xã hội và từ chính các chính sách của hệ thống giáo dục. Trong khi đó, họ ít được đào tạo về cách để vượt lên các áp lực đó. Một bộ phận giáo viên chưa đủ tình yêu nghề, chưa có tố chất nghề nghiệp phù hợp.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra một số giải pháp cụ thể từ khâu tuyển chọn đầu vào đến quá trình hoạt động của giáo viên trong nhà trường. “Đã đến lúc phải có chính sách rất cụ thể với tính khả thi cao liên quan đến nhiều bộ phận, phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta. Làm sao để thầy cô cảm thấy hạnh phúc và yêu nghề, đó là việc chúng ta cần làm,” ông Nhạ nói.

[Bộ trưởng Bộ Giáo dục lên tiếng việc học sinh bị phạt 231 cái tát]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng nghề giáo cũng là một nghề và với mỗi người làm nghề, yêu cầu đầu tiên là phải có việc làm và có thu nhập đủ để giáo viên không phải bận tâm về chuyện cơm áo. “Đây là trách nhiệm của Bộ với tư cách tham mưc Chính phủ,” ông Nhạ khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định nghề giáo là một nghề cao quý, đặc thù, đòi hỏi giáo viên phải có tố chất nghề nghiệp, yêu nghề, mến trẻ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị trường sư phạm thời gian tới cần có hình thức kiểm tra năng khiếu, phẩm chất nghề nghiệp, bên cạnh điểm số như hiện nay.

Ví dụ, giáo viên mầm non không cần điểm đầu vào cao nhưng cần ca múa tốt, có sự kiên trì, yêu nghề, giáo dục bằng tình yêu thương với trẻ con thì mới hình thành nhân cách tốt cho trẻ.

Trong quá trình đào tạo, trường sư phạm đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường giáo dục con người. Chú trọng đào tạo lòng nhân ái, tình yêu thương, tăng trải nghiệm thực tế. Ông Nhạ cho rằng việc rèn đạo đức nhà giáo cho sinh viên sư phạm cần thực hiện trong suốt 4 năm chứ không chỉ trong một vài chuyên đề. Để sinh viên có kỹ thuật chuyên môn rất nhanh nhưng để có phẩm chất người thầy là một thách thức, và phải luyện rèn qua năm tháng.

“Hình mẫu cô giáo như thế nào thì trẻ sẽ học theo như thế, đặc biệt là học sinh tiểu học,” ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: PV)

Đổi mới tập huấn từ giáo viên đến cán bộ quản lý

Đào tạo ở trường sư phạm là gốc, là bước đầu, nhưng giáo viên vẫn cần được tiếp tục bồi dưỡng trong suốt quá trình giảng dạy.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc tập huấn giáo viên vẫn được thực hiện thường xuyên nhưng không hiệu quả, ông Nhạ cho rằng cần kiên quyết hạn chế tập huấn bồi dưỡng theo cách truyền thống, hình thức. Việc bồi dưỡng cần đi vào đúng cái giáo viên cần, tăng cường bồi dưỡng trải nghiệm để thầy cô chia sẻ.

“Chỉ khi giáo viên thấy chương trình tập huấn là thiết thực thì họ mới có động lực tham gia, khi không có ý nghĩa chỉ mất thì giờ,” ông Nhạ nói.

[Giáo viên đang cô đơn giữa quá nhiều áp lực]

Việc bồi dưỡng không chỉ cho giáo viên mà cho cả các hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

“Đó là những thứ tới đây sẽ phải làm chứ không phải nghe để đấy,” ông Nhạ nói.

Rà soát cắt giảm thủ tục để giảm áp lực cho giáo viên

Trước chia sẻ của các giáo viên về áp lực sổ sách hành chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đây là vấn đề mà Bộ có thể làm được ngay.

Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các vụ, cục liên quan chỉ đạo theo tuyến quản lý và các hiệu trưởng cho rà soát tất cả các hoạt động của giáo viên, trước hết là những hoạt động hành chính không cần thiết, sổ sách phiền hà, lên danh mục và có lộ trình cắt giảm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm áp lực cho các thầy cô, không mất thời gian và không có áp lực không đáng có.

“Ngay cả đoàn, đội, hội cũng phải xem xét để tránh những áp lực có tính hành chính. Đó là những cái hoàn toàn làm được. Kiên quyết không đưa ra những chỉ tiêu thi đua như giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi… Thà có giáo viên tốt thực chất còn hơn giáo viên giỏi hình thức,” ông Nhạ nói.

Ông Nhạ cũng cho rằng việc đặt 100% học sinh lên lớp là chỉ tiêu thành tích là chưa đúng. “Nguyên lý của giáo dục là tạo môi trường giáo dục cho mọi người và mọi người được học trong năng lực của mình, đánh giá theo quá trình tiến bộ chứ không phải theo điểm số,” ông Nhạ khẳng định.

Nhà trường, giáo viên cần tư vấn cho phụ huynh

Trước nhiều ý kiến đề xuất về việc cần có tổ tư vấn tâm lý học đường trong các trường để hỗ trợ tâm lý cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh, Bộ trưởng Nhạ cho rằng đây là vấn đề cần thiết nhưng không nhất thiết phải có nhân lực riêng mà có thể kiêm nhiệm.

Các trường cũng cần có bộ phận tiếp nhận ý kiến phụ huynh, tìm cách sư phạm để giúp thầy cô thay đổi.

Để giúp phụ huynh hiểu hơn, trường cần có sự tư vấn cho phụ huynh, đặc biệt các lớp có học sinh cá biệt.

Ông Nhạ cho rằng phụ huynh có những ý kiến một phần do họ thiếu thông tin nhưng không thể có chuyên gia tư vấn riêng.

“Không ai tư vấn tốt cho phụ huynh bằng chính thầy cô giáo. Ý kiến của các cô giáo rất quan trọng. Nếu giáo viên tư vấn với tinh thần tích cực vì học sinh thì phụ huynh sẽ ủng hộ,” ông Nhạ chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục